Trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, nguồn cung hạn chế, các kênh huy động vốn đều gặp khó, việc sớm tháo gỡ khó khăn về thủ tục cho dự án được xem là “phao cứu sinh” không chỉ của các doanh nghiệp, mà còn bổ sung nguồn cung nhà ở cho thị trường.
Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, câu chuyện vướng mắc pháp lý diễn ra từ lâu, chứ không phải là mới. Đáng lý ra, các địa phương phải chủ động phối hợp với các chủ đầu tư để xem xét tháo gỡ sớm, chứ không phải đợi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thì mới triển khai. Tuy nhiên, dù muộn còn hơn không, thời gian tới, nếu các vướng mắc về tiền sử dụng đất, thủ tục pháp lý của dự án được tháo nhanh sẽ là cơ sở để chủ đầu tư có thể chuyển nhượng dự án, từ đó tạo dòng tiền, gia tăng thanh khoản cho chính doanh nghiệp trong giai đoạn tái cấu trúc quyết liệt hiện nay.
Ở góc độ khác, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và hành lang pháp lý để dự án có thể thực hiện nhanh chóng. Việc này sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và tăng lợi ích cho người tiêu dùng. Hơn nữa, các doanh nghiệp nước ngoài mới tham gia thị trường chỉ được thực hiện dự án sau khi đóng tiền sử dụng đất và có giấy phép xây dựng. Do đó, với những doanh nghiệp này, thủ tục pháp lý là điều quan trọng nhất để xem xét trước khi đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng và giảm lãi suất để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, pháp lý vẫn là gốc rễ của vấn đề này, làm mất đi sự cạnh tranh trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường.
“Để trở thành điểm thu hút đầu tư lớn trong khu vực Đông Nam Á, cần thu hút nguồn lực từ nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam. Điều này liên quan đến các phân khúc chủ đạo như nhà ở, bán lẻ, văn phòng, bất động sản công nghiệp… Bởi vậy, phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào các sản phẩm này”, ông Khương nói.
Ngay sau Hội nghị Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, một số địa phương đã lên kế hoạch, tổ chức gặp gỡ giữa các sở, ngành với những doanh nghiệp có dự án đang gặp vướng mắc để tìm cách tháo gỡ.
Tại TP.HCM, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã lần lượt chủ trì 2 cuộc họp với các doanh nghiệp để gỡ vướng mắc với tổng số 13 dự án bất động sản trên địa bàn và số dự án được “gọi tên” chưa dừng lại ở đây.
Còn tại Bình Dương, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh đã cùng lãnh đạo Sở Xây dựng họp Tổ chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản trên địa bàn.
Với Kiên Giang, tuần qua, lãnh đạo tỉnh cũng có buổi làm việc nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn TP. Phú Quốc.
Sau mỗi cuộc họp, các doanh nghiệp đều kỳ vọng, những khó khăn, vướng mắc sớm được tháo gỡ. Bởi khi dự án nằm “bất động” cũng là lúc doanh nghiệp phải chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí còn mang tiếng oan là bội tín với khách hàng. Trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, các kênh huy động vốn đều gặp khó, việc sớm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục cho Dự án được xem là phao cứu sinh của doanh nghiệp.
Tại Dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, Chính phủ nhận định, thị trường bất động sản có vai trò, đóng góp quan trọng trong nền kinh tế và tác động ảnh hưởng đến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực. Trong thời gian qua, đặc biệt là nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản có nhiều khó khăn, nhất là tình trạng thiếu nguồn cung, cơ cấu sản phẩm nhà ở chưa phù hợp, giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn, dừng triển khai các dự án bất động sản, cắt giảm lao động…
Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi nền kinh tế, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, giai đoạn 2023-2025 nói chung và thị trường bất động sản nói riêng, Dự thảo Nghị quyết đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó có hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng, tổ chức thực thi pháp luật ở các địa phương…
Đặc biệt là thông tin, truyền thông khôi phục niềm tin, hỗ trợ trị trường và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản. Cụ thể là đẩy mạnh thông tin, truyền thông thể hiện rõ thông điệp, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng hành với địa phương, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế – dân sự; bảo vệ những người làm đúng, bảo vệ, hài hòa lợi ích nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời kiểm soát, kiểm duyệt chặt chẽ, có hiệu quả các kênh thông tin xã hội không chính xác, không chính thống có thể gây tác động tiêu cực đến tâm lý nhận dân, nhà đầu tư, khách hàng và thị trường, nhất là các thông tin có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế.
Đẩy mạnh công tác công bố, công khai, minh bạch các thông tin, nhất là kịp thời tuyên truyền, phổ biến, công bố công khai các chính sách, quy định, giải pháp mới của Nhà nước về tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu, tình hình thị trường bất động sản… để xã hội có các thông tin chính xác, chính thống qua đó ổn định tâm lý, ổn định thị trường; tăng cường giám sát, xử lý nghiêm, kịp thời hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản.
Xoay quanh vấn đề niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng thị trường hiện tại vẫn có nhiều tiềm năng nhưng thiếu sự tự tin. Lực cầu vẫn có song niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường sụt giảm. Hầu hết các bên đang giữ tâm thế nghe ngóng và quan sát diễn biến thị trường. Vì vậy, ngoài việc tháo gỡ dần những khó khăn đến từ bản thân thị trường, thì khôi phục niềm tin để nhà đầu tư hiện tại ở lại thị trường, và nhà đầu tư tiềm năng sẵn sàng tham gia là việc cần thiết và có ý nghĩa lớn để vực dậy thị trường.
Tổng Hợp
(VnEconomy, ĐTCK)