Không chỉ doanh nghiệp quy mô nhỏ hay vừa, nhiều doanh nghiệp đang triển khai những dự án lớn cũng đang trong tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” do thiếu vốn. Nhiều dự án nhà ở không thể triển khai tiếp vì thiếu vốn…
Khó tiếp cận nguồn vốn là tình cảnh chung đối với lĩnh vực bất động sản hiện nay, từ nhà đầu tư, người mua để ở đến chủ đầu tư, đơn vị phân phối. Với doanh nghiệp môi giới, việc duy trì công tác bán hàng là rất quan trọng, khi mà nhiều năm qua, doanh nghiệp không có hàng để bán, xoay xở đủ kiểu để tìm nguồn thu, duy trì hoạt động. Với các chủ đầu tư, khó khăn có phần hơn do áp lực nợ vay đè nặng, thu không đủ bù chi. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng vốn triển khai dự án là rất lớn, dẫn đến nguy cơ nhiều dự án có kế hoạch triển khai sẽ phải dừng lại vì chủ đầu tư buộc phải cân nhắc dòng tiền.
Thực tế, nhiều chủ đầu tư dự án phải quay cuồng trong cơn “khát vốn” từ tháng 4/2022 – thời điểm cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chặt dòng vốn chảy vào lĩnh vực bất động sản, các ngân hàng thương mại theo đó gần như ngừng cấp vốn đầu tư dự án. Một số chủ đầu tư thậm chí không còn tiền để tiếp tục thanh toán cho nhà thầu xây dựng, dẫn tới tình cảnh nợ nần lòng vòng giữa chủ đầu tư – nhà thầu – nhà cung cấp nguyên vật liệu…
Trước thực tế trên, nhiều chuyên gia cũng như lãnh đạo doanh nghiệp dự báo có 2 kịch bản có thể xảy ra đối với thị trường bất động sản trong thời gian tới. Ở kịch bản thứ nhất, những doanh nghiệp trường vốn, quỹ đất dồi dào, sản phẩm đa dạng… sẽ trụ vững và ngược lại, những doanh nghiệp vốn mỏng, kinh doanh manh mún, chộp giật sẽ bị đào thải. Nếu kịch bản này xảy ra, đợt sàng lọc này là tín hiệu tốt giúp thị trường loại bỏ các nhân tố yếu kém, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững hơn.
Ở kịch bản thứ hai, những rào cản về tín dụng, vướng mắc pháp lý dẫn đến dự án bị đình trệ, giá bán tiếp tục bị đẩy lên cao, thanh khoản càng yếu ớt… khiến doanh nghiệp “chết” hàng loạt. Nếu kịch bản này xảy ra, quá trình sàng lọc này rất đáng lo ngại vì gây bất lợi cho cả thị trường bất động sản lẫn nền kinh tế. Theo đó, thị trường địa ốc có thể bước vào chu kỳ khó khăn kéo dài. Vì vậy, cùng với quá trình khơi thông các điểm nghẽn pháp lý, việc khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản cũng rất cần thiết, bởi doanh nghiệp sẽ không thể “sống” nếu nguồn vốn bị bóp nghẹt.
Dù không kêu than nhưng thực tế là nhiều doanh nghiệp địa ốc khác cũng đã kiệt sức sau gần 3 năm chống chọi với khó khăn, đặc biệt là những doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu để huy động vốn triển khai dự án trước đó, nay đến thời hạn trả nợ, thanh toán lãi mà kênh này đang bị siết chặt, dẫn đến khó chồng khó.
Nói như ông Ngô Đức Sơn, Tổng giám đốc DRH Holding, bóng dáng của cuộc khủng hoảng địa ốc trước đây đã lờ mờ xuất hiện và nếu những vướng mắc pháp lý dự án không sớm được tháo gỡ thì chuyện doanh nghiệp địa ốc phá sản hàng loạt là khó tránh.
Cùng góc nhìn, ông Vũ Lý Cung, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản DKRV Holdings cho hay, thực ra không phải đến bây giờ, mà trong gần 3 năm qua, phần lớn doanh nghiệp bất động sản đã phải dùng nguồn vốn tích lũy từ nhiều năm trước để duy trì hoạt động.
Theo ông Cung, thời điểm cuối năm 2021 – đầu năm 2022, thị trường dù khó khăn nhưng vẫn có một lượng khách hàng nhất định quan tâm và mua bất động sản, nhưng từ quý II/2022 đến nay, doanh nghiệp hầu như không bán được sản phẩm nào. Trong khi đó, tiền lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng và nhiều khoản chi phí khác vẫn phải chi trả đều đặn khiến doanh nghiệp thực sự đuối sức.
“Mối lo lớn nhất là doanh nghiệp lúc này không thể dự đoán được sự ‘ngủ đông’ này kéo dài bao lâu. DKRV Holdings cũng gần như ‘án binh bất động’ và tiếp tục phải sử dụng nguồn vốn tích lũy để duy trì bộ máy với hy vọng các nút thắt sẽ được khơi thông trong năm nay để thị trường nhanh chóng phục hồi”, ông Công chia sẻ.
Tổng Hợp