Cổ phiếu VCB gần như tăng không nổi đứng yên một chổ, trong bối cảnh Vietcombank vẫn duy trì được vị thế ngân hàng tốt nhất Việt Nam với các hệ số tài chính đứng đầu toàn ngành.
Nhà đầu tư cũng băn khoăn về khả năng tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank khi ngân hàng này phải liên tục triển khai các gói hỗ trợ lãi suất theo lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước.
Mới nhất, Vietcombank thông báo sẽ thực hiện đợt giảm lãi suất thứ 8 bắt đầu từ ngày 18/8 kéo dài đến cuối năm. Chương trình này áp dụng cho tất cả các khách hàng tín dụng doanh nghiệp và cá nhân tại 19 tỉnh, thành phố miền Nam đang áp dụng Chỉ thị 16 thực hiện giãn cách xã hội. Ngân hàng ước tính thu nhập lãi sẽ giảm khoảng 1.000 tỷ đồng trong đợt hỗ trợ này, nâng tổng số thiệt hại về thu nhập lãi sau các đợt giảm lãi suất vừa qua lên 7.100 tỷ đồng.
Nhìn lại lịch sử giá của VCB, cổ phiếu này có nhịp tăng rất mạnh từ nửa cuối năm 2017 đến đầu năm 2020 với mức tăng tổng cộng khoảng 160% và là mã ngân hàng có diễn biến tốt nhất trong giai đoạn trên. Điều này đã đẩy mức định giá P/E, P/B của Vietcombank vượt xa so với các ngân hàng khác, qua đó làm giảm sức hấp dẫn so với các cổ phiếu ngân hàng khác.
Chiến lược kinh doanh mang tính an toàn cao của Vietcombank cũng khiến khả năng tăng trưởng lợi nhuận bị bó hẹp. Cụ thể, việc duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu thường xuyên trên mức 300% khiến ngân hàng phải liên tục dành ra những khoản trích lập dự phòng “kếch xù’’ chục nghìn tỷ; do đó lợi nhuận không thể tăng trưởng đột biến như những ngân hàng khác.
Trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng này tiếp tục giữ vị trí quán quân’ về lợi nhuận trước thuế với 13.570 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái và có khoảng cách khá an toàn so với các đối thủ xếp sau như Techcombank (11.536 tỷ đồng), VietinBank (10.850 tỷ đồng). Về khía cạnh an toàn hoạt động, Vietcombank cũng đứng đầu với tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt hơn 350% vào cuối quý II/2021, bỏ xa các ngân hàng đứng kế sau như Techcombank (260%), MB (240%), ACB (210%),…Đây cũng là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thuộc hàng thấp nhất hệ thống và tiên phong áp dụng chuẩn mực quản trị rủi ro theo Basel II.
Một nguyên nhân khác khiến giá cổ phiếu VCB không có đột phá kể từ đầu năm đến nay là bởi thiếu “game’’. Trong khi các ngân hàng khác liên tục thực hiện chia cổ tức, chào bán cổ phiếu cho cổ đông chiến lược thì Vietcombank vẫn chưa có bất kỳ động thái gì. Năm 2021, Vietcombank dự kiến phát hành hơn 1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 27,6% từ lợi nhuận còn lại năm 2019 sau khi chia cổ tức 8% bằng tiền. Tuy nhiên, kế hoạch này đến nay vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt. Không những vậy, kế hoạch chào bán riêng lẻ 6,5% vốn cho khối ngoại Vietcombank cũng liên tục bị ‘’treo’’ suốt từ năm 2020 và đến nay vẫn chưa có một thông tin liên quan nào được công bố.
Tính từ đầu năm, cổ phiếu VCB đã giảm 0,7% trong khi chỉ số VN-Index tăng tới 22,5% và chỉ số VN30-Index tăng 33,7%. Xét riêng trong nhóm ngân hàng, VCB có diễn biến giá tệ thứ hai toàn ngành chỉ sau BID của BIDV (giảm 16,5%). Cổ phiếu VCB gần như bất động khi các cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong những tháng đầu năm. Đợt sóng đáng chú ý nhất của cổ phiếu này là vào cuối tháng 5 đến hết tháng 6 nhưng thị giá chỉ tăng được khoảng 20% sau đó điều chỉnh về vùng giá cũ 96.000 – 97.000 đồng/cp.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)