Hải Phát Land vay nợ và nợ người lao động tăng sốc, “lộ” các khoản nợ lớn với Hải Phát Invest (HPX).
Nếu nhìn vào báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 của CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, HNX: HPX), sẽ thấy có rất nhiều điều thú vị có liên quan đến Hải Phát Land. Cuối năm 2021, Hải Phát Invest ghi nhận hơn 164,24 tỷ đồng phải thu từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần, trong khi con số đầu năm là 30 tỷ đồng, tương ứng với 134,24 tỷ đồng phát sinh thêm trong kỳ.
Đáng chú ý, 2 cá nhân cùng họ với Tổng Giám đốc Hải Phát Land ông Vũ Kim Giang là ông Vũ Kim Tuấn và Vũ Thu Hiên nợ tiền Hải Phát Invest tại thời điểm 31/12/2021 với số tiền lần lượt là hơn 106,9 và 27,3 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng, 2 khoản nợ này đúng bằng với số tiền Hải Phát Invest phải thu từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần phát sinh thêm trong năm vừa qua.
Trong thuyết minh báo cáo tài chính, vào ngày 29/12/2021, Hải Phát Invest đã hoàn tất chuyển nhượng 19,17 triệu cổ phần tương ứng 27% cổ phần trong công ty Hải phát Land cho các đối tác cá nhân với tổng giá trị chuyển nhượng là 421,74 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ sở hữu của Hải Phát Invest tại Hải Phát Land giảm từ 75,8% xuống 48,8%. Hải Phát Land không còn là công ty con của Hải Phát Invest và đồng thời trở thành công ty liên kết từ ngày này.
Trong năm 2020, nhóm công ty đã chuyển nhượng 14,2 triệu cổ phần, tương ứng 20% cổ phần trong Hải Phát Land cho một đối tác doanh nghiệp.
Như vậy, 2 cá nhân họ “Vũ” là những cá nhân đã nhận chuyển nhượng cổ phần trong Hải Phát Land của Hải Phát Invest? Tuy nhiên, trên cổng đăng ký kinh doanh, Hải Phát Land của ông Vũ Kim Giang chưa thấy “puplic” công bố thay đổi.
Tính đến cuối năm 2021 tổng tài sản của Hải Phát Land đạt 3.225 tỷ đồng, tăng 120% so với cuối năm 2020. Có đến 98,8% tài sản của doanh nghiệp là tài sản ngắn hạn, trong khi cuối năm 2020 tỷ lệ này ở mức 97%.
Cùng với sự phình to của tài sản, nợ phải trả của Hải Phát Land cũng tăng mạnh 267%, từ 641 tỷ đồng lên 2.353 tỷ đồng. Nếu so với năm 2019, quy mô nợ phải trả đã tăng tới 1.900%, trong khi quy mô tài sản chỉ tăng khoảng 231%.
Đáng chú ý, trong cơ cấu nợ phải trả của doanh nghiệp có tới gần 1.020 tỷ đồng là nợ vay và thuê tài chính, tăng 313% so với đầu năm. Số nợ này cao gấp gần 1,2 lần so với vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại cùng thời điểm, trong khi đầu năm khoản mục vay và nợ thuê tài chính chỉ bằng 0,3 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Do đó, chi phí lãi vay trong năm 2021 của Hải Phát Land cũng đội từ 3,9 tỷ năm 2020 lên 18,3 tỷ năm 2021.
Trước đó, trong năm 2020 Hải Phát Land đã gây sốc khi nợ vay và thuê tài chính tăng tới trên 41.000% chỉ trong vòng 1 năm. Lũy kế từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2021, vay và nợ thuê tài chính của Hải Phát Land tăng “sốc” 174.000%. Tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản cũng tăng từ 12% (2019) lên 73% (2021), đồng thời tỷ lệ vay và nợ thuê tài chính/vốn chủ sở hữu cũng nhảy vọt lên 117%.
Một điểm đáng lưu ý khác trong bức tranh tài chính của Hải Phát Land đó là dòng tiền từ hoạt đồng đầu tư và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm lần lượt 351 tỷ và 197 tỷ đồng. Nhờ có gần 1.531 tỷ đồng tiền thu từ đi vay, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của doanh nghiệp chuyển từ âm 9,2 tỷ (năm 2020) đồng sang dương 116 tỷ đồng vào năm 2021.
Hải Phát Land phát sinh nhiều giao dịch bảo đảm để vay vốn tại các ngân hàng như VPBank, TPBank, Ngân hàng Phương Đông trong thời gian qua, trong đó tài sản bảo đảm bảo gồm tất cả các quyền tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp phát sinh từ các Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Cá nhân ông Vũ Kim Giang cũng đã thế chấp Quyền Tài sản là quyền yêu cầu thanh toán, quyền nhận các khoản tiền hoàn trả, phạt, bồi thường thiệt hại; quyền thụ hưởng bảo hiểm phát sinh từ Hợp đồng mua bán nhà ở số: HPPBT-12/HĐMB ngày 17/11/2018 ký giữa ông Vũ Kim Giang với chủ đầu tư có chức năng kinh doanh bất động sản là Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát tại Dự án “Tổ hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp Hải Phát Plaza” (tên thương mại: Roman Plaza), địa chỉ Phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội; Quyền tài sản khác theo quy định của pháp luật phát sinh theo Hợp đồng mua bán nêu trên (trừ Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc thẩm quyền đăng ký cuả văn phòng đăng ký); Các khoản lợi tức thu được từ việc khai thác, kinh doanh tài sản thế chấp phát sinh từ Hợp đồng mua bán nêu trên tại ngân hàng vào năm 2019.
Không chỉ vay từ ngân hàng đến cá nhân, Hải Phát Land còn nợ tiền người lao động từ năm này qua năm khác, thậm chí khoản mục này còn tăng 300% kể từ cuối năm 2019 đến cuối năm 2021.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2021 Hải Phát Land ghi nhận 19,2 tỷ đồng phải trả người lao động, tăng 24% so với cùng kỳ, trong khi đó năm 2019 khoản tiền này chỉ ở mức 4,8 tỷ đồng.
Khoản vay và nợ thuê tài chính của Hải Phát Land, trong gần 1.020 tỷ đồng trong năm 2021, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp tăng 303%, lên 382,7 tỷ đồng. Trong đó, 191 tỷ đồng là khoản vay ngân hàng ngắn hạn, đồng thời có tới 191,7 tỷ là khoản vay từ các cá nhân, trong khi năm 2020 doanh nghiệp chưa phát sinh khoản mục vay cá nhân này.
Về khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn, trong năm 2021 khoản mục này cũng tăng vọt 322%, lên 637 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 239,4 tỷ đồng là vay dài hạn tại các ngân hàng. Trong kỳ, khoản nợ 71 tỷ Hải Phát Land vay từ Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển địa ốc HP Real – công ty “ngập nợ” có liên quan mật thiết với Tổng Giám đốc của Hải Phát Land – ông Vũ Kim Giang như đề cập của Dân Việt trong bài Nợ vay tăng 41.900%, tiết lộ liên quan giữa Hải Phát Land với công ty riêng “ngập nợ” của Tổng giám đốc Vũ Kim Giang, đã không còn được ghi nhận tại thời điểm 31/12/2021.
Tại cùng thời điểm này Hải Phát Land cũng đang ghi nhận một khoản nợ từ các cá nhân, mặc dù đang sử dụng đòn bẩy tài chính.
Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2021, phải thu về cho vay cá nhân của Hải Phát Land tăng 280 tỷ đồng so với đầu năm, sau khi tăng gần 223 tỷ trong năm 2020. Tuy nhiên, tên tuổi của các cá nhân cho vay và đi vay không được doanh nghiệp đề cập.