Tỷ lệ tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) càng cao thì khả năng sinh lời càng cao nhưng đồng thời với đó, tính thanh khoản của ngân hàng cũng giảm đi tương ứng, rủi ro thanh khoản tăng theo. Nếu tỷ lệ LDR của ngân hàng tiệm cận 100% hoặc lớn hơn 100% thì khả năng tự bảo vệ khỏi nguy cơ bị rút tiền gửi đột ngột kém. Một số ngân hàng tỷ lệ cho vay trên tiền gửi ở mức trên 100% và số đó đến tận 130%.
Được biết, tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) là một trong những thước đo quan trọng được sử dụng trong hoạt động quản lý và giám sát hoạt động ngân hàng nhằm đánh giá thanh khoản hay khả năng chi trả của một tổ chức tín dụng. Tại Việt Nam, LDR được quy định khá rõ ràng tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN, sau đó được sửa đổi tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN, quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN, tỷ lệ LDR đối với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là 90%, ngân hàng thương mại cổ phần là 80%. Nhưng với Thông tư 22/2019/TT-NHNN, tất cả các ngân hàng đều phải duy trì ở mức 85% với thời gian chuyển tiếp là 2 năm, trước ngày 1/1/2022. Tỷ lệ LDR ở các ngân hàng thương mại cổ phần được nới lên 85% đồng nghĩa với việc các ngân hàng có thể cho vay nhiều hơn hoặc giảm được áp lực huy động vốn để đảm bảo tỷ lệ theo đúng quy định.
Hiện tại có tới 13 ngân hàng tăng tỷ lệ cho vay trên tiền gửi trong quý đầu năm nay. Nổi bật nhất là MSB, với mức tăng 6,81 điểm phần trăm, từ mức 90,66% lên 97,475%. Tiếp sau là VPBank, với mức tăng 5 điểm phần trăm, từ 124,58% lên 129,58%. Đây cũng là ngân hàng có tỷ lệ cho vay trên tiền gửi cao nhất trong số ngân hàng được khảo sát.
Khảo sát báo cáo tài chính quý I/2021 của 15 ngân hàng, gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, MBBank, Techcombank, VPBank, ACB, VIB, MSB, TPBank, HDBank, Sacombank, LienVietPostBank, NCB, SHB, có thể thấy, chỉ có hai ngân hàng là VietinBank, HDBank có tỷ lệ cho vay trên tiền gửi giảm so với cuối năm 2020. Tuy nhiên, mức giảm là không đáng kể, chỉ 0,8 điểm phần trăm.
Với tầm quan trọng như trên, Ngân hàng Nhà nước hiện đang yêu cầu mức LDR tối đa của các ngân hàng thương mại là 85%. Tức, ngân hàng huy động được 100 đồng chỉ được cho vay 85 đồng, còn 15 đồng phải để dự trữ, làm “bộ đệm” thanh khoản. Và 15 đồng dự trữ này thường được ngân hàng mua tài sản có tính thanh khoản cao để dự trữ như trái phiếu chính phủ. Trong trường hợp xấu nhất, các ngân hàng có thể lấy khoản dự trữ ra bán, hoặc cũng có thể chiết khấu với Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở (OMO) để lấy tiền trả các nghĩa vụ nợ.
Việc tỷ lệ LDR của 15 ngân hàng được khảo sát tăng lên cho thấy “bộ đệm” thanh khoản của hệ thống đang mỏng dần. Số liệu thống kê tại 15 ngân hàng trên chỉ là so sánh mặt bằng tỷ lệ cho vay trên tiền gửi tại thời điểm cuối năm 2020 với quý I/2021 và xu hướng có thể tăng, không đánh giá ngân hàng có tuân thủ Thông tư 22/2019/TT-NHNN, cụ thể hơn là có vi phạm tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) quy định là 85% hay không.
Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi tăng trong quý I/2021, theo lý giải của một số chuyên gia kinh tế, là do tiền gửi giảm khoảng thời gian này, trong khi tín dụng lại tăng trưởng tích cực hơn cùng kỳ năm trước. Việc lãi suất huy động duy trì ở mặt bằng thấp khiến nhiều khách hàng thay vì gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng thì tìm đến các kênh đầu tư cho tỷ suất sinh lời hấp dẫn hơn như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản…
Nhật Hạ