Sự hồi phục trở lại của thị trường bất động sản nửa cuối năm 2020 có thể lý giải nhờ một số yếu tố, như: Chính phủ xử lý tốt dịch bệnh, mang tới niềm tin cho người dân; chiến tranh thương mại Mỹ Trung dẫn tới dịch chuyển dòng vốn đầu tư; và lãi suất thấp kỉ lục khiến người dân có nhu cầu đầu tư vào 3 kênh chính là bất động sản, vàng, chứng khoán hơn là gửi ngân hàng…
Nửa sau năm 2020 đã chứng kiến sự phục hồi tương đối của thị trường bất động sản nói chung. Có thể thấy, nguồn cung mới vẫn đạt gần 60.000 sản phẩm, đạt 87,6% so với năm 2019. Lực cầu tuy giảm nhưng thu hút ngoài ngành hướng vào thị trường bất động sản, làm tăng lên khoảng 30% lực cầu đầu tư mới cho thị trường.
Đối với các loại hình bất động sản, bất động sản nghỉ dưỡng dù chịu ảnh hưởng tiêu cực, nhưng vẫn được đánh giá là thị trường có nhiều cơ hội. Trong bối cảnh không có khách du lịch quốc tế, ngành du lịch hướng tập trung thu hút vào các khách nội với nền tảng kiểm soát dịch bệnh rất tốt của Chính phủ.
Khi dư địa đất công nghiệp cạn dần, CBRE dẫn chứng, nguồn cung đất công nghiệp sẵn sàng bàn giao ngay tại các khu công nghiệp tại hai miền đều trong tình trạng khan hiếm. Mặt khác, một khi Việt Nam không còn lợi thế như dân số vàng, lao động rẻ, chi phí đất thấp, dòng vốn sẽ chuyển dịch sang các quốc gia khác như Indo, Myanmar, Ấn Độ…Bất động sản khu công nghiệp được đánh giá sẽ tiếp tục sôi động nhờ đón làn sóng di dời khỏi Trung Quốc vào năm 2021 và 2022.
Tại TP.HCM, trong bối cảnh cơ chế chưa được khơi thông và ảnh hưởng tiêu cực từ COVID-19, nhiều doanh nghiệp lớn trong vài năm trở lại đây đã có xu hướng mở rộng quỹ đất, đầu tư ra các thị trường vệ tinh, nghỉ dưỡng tiềm năng như Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương… Với các đại đô thị nở rộ mà điển hình là dự án Aqua City (Đồng Nai), Nova World Phan Thiết (Bình Thuận), Đại đô thị Vinhomes Grand Park (quận 9, TP.HCM)…
Ngoài ra, xu hướng phát triển về phía Đông, thành lập thành phố Thủ Đức, xây dựng sân bay Long Thành và cao tốc nối Vũng Tàu được kỳ vọng là động lực quan trọng cho bất động sản TP.HCM năm 2021 nói riêng và trong trung hạn nói chung.
Còn với Hà Nội, nếu trước đây các dự án tập trung lớn ở khu vực phía Tây, thì trong giai đoạn sắp tới sẽ nghiêng về khu Đông gồm Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, cả về phía Văn Giang Hưng Yên với hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng kết nối bắc qua sông Hồng đang và sẽ được triển khai.
Những cây cầu này kết nối hai bờ Đông – Tây và mạng lưới cao tốc tốc kết nối thuận tiện với Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang… sẽ tạo nên một khu vực thị trường tiềm năng. Dự kiến tới năm 2025, nguồn cung của khu vực phía Đông Hà Nội vào khoảng 25.000 căn.
Báo cáo thị trường bất động sản quý III/2020 của DKRA Việt Nam cho biết, riêng với bất động sản nghỉ dưỡng, chỉ có một dự án condotel mới mở bán, cung cấp ra thị trường 71 căn, chỉ bằng 27% so với quý trước và bằng 3% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ hấp thụ đạt 39%, bằng 20% so với quý II/2020 nhưng chỉ bằng 1% so với cùng kỳ năm trước.
Phân khúc nhà ở thương mại cũng không ngoại lệ khi tỷ lệ tiêu thụ trong quý I/2020 chỉ đạt khoảng 14% – thấp nhất trong giai đoạn 4 năm trở lại và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt khó khăn là phân khúc văn phòng cho thuê với tỷ lệ gia tăng khu du lịch, nghỉ dưỡng phải tạm dừng hoạt động… khiến doanh nghiệp kinh doanh hầu như không có nguồn thu.
Nền kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, lĩnh vực bất động sản theo đó cũng nằm trong nhóm ngành nghề gặp nhiều khó khăn cần hỗ trợ. Theo nhận xét từ nhiều chuyên gia, bất động sản chưa bao giờ lại trải qua những thời khắc khó khăn, nhiều cung bậc như năm 2020.