Cùng với những hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, chính phủ các nước tiên tiến đều nhận định việc hỗ trợ nâng cao năng lực cho DNNVV (doanh nghiệp nhỏ và vừa) thông qua hoàn thiện, cung cấp thông tin về thể chế, pháp luật là rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược phát triển kinh tế – xã hội.
Kinh nghiệm các nước tiên tiến trên thế giới cho thấy, chính phủ luôn quan tâm, tạo điều kiện để DNNVV phát triển. Việc triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho nhóm doanh nghiệp này được tiến hành đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ với các tổ chức đại diện doanh nghiệp, hình thành mối liên kết để hỗ trợ toàn diện đáp ứng các nhu cầu hỗ trợ pháp lý của DNNVV.
Chẳng hạn như tại Mỹ, một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới luật hóa chính sách hỗ trợ DNNVV. Năm 1953, Luật Hỗ trợ DNNVV (The Small Business Act) của Mỹ được ban hành nhằm mục đích hỗ trợ và bảo hộ mức cao nhất có thể quyền lợi của các DNNVV, đảm bảo đối xử công bằng với các doanh nghiệp lớn trong việc tiếp cận các nguồn lực của Chính phủ.
Luật này cũng tạo ra khuôn khổ để xây dựng các chính sách cụ thể cho DNNVV, hỗ trợ DNNVV tiếp cận tài chính, hỗ trợ phát triển thị trường và quốc tế hóa doanh nghiệp. Một số đạo luật sau này được thông qua như: Luật Phục hồi và Đầu tư lại của Mỹ năm 2009, Luật Việc làm của doanh nghiệp nhỏ năm 2010… đã góp phần vào sự tăng trưởng mạnh mẽ trong phát triển cộng đồng DNNVV ở Mỹ.
Nhờ vậy, hơn 30 triệu DNNVV tại Mỹ là động lực chính của nền kinh tế, tạo ra hai phần ba việc làm mới của khu vực tư nhân và sử dụng hơn 50% nguồn lao động quốc gia.
Tại Nhật Bản, chính sách cho DNNVV được xây dựng theo hai cấp độ rõ ràng ngay từ đầu, Luật cơ bản về DNNVV mang tính chất là một Luật khung định hướng thể hiện sự quan tâm, cam kết của Chính phủ đối với việc hỗ trợ DNNVV phát triển và nhiều Luật hỗ trợ chuyên ngành, đặc thù từng lĩnh vực được ban hành nhằm xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ cụ thể cho DNNVV để giải quyết các nhu cầu hỗ trợ của DNNVV trong từng thời kỳ phù hợp với tình trạng phát triển.
Tương tự Nhật Bản, các chính sách hỗ trợ pháp lý cho DNNVV tại Hàn Quốc lần lượt ra đời với mục đích hỗ trợ và phát triển, như: Luật Hỗ trợ cho DNNVV thành lập, Luật Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV, Luật Về các quy định cho DNNVV trong các khu kinh tế, Luật Các cơ chế đặc thù hỗ trợ các DNNVV thương mại, Luật Xúc tiến đổi mới sáng tạo DNNVV, Luật Thúc đẩy mua sắm công cho DNNVV, Luật Khuyến khích đổi mới công nghệ của DNNVV, Luật Thúc đẩy liên kết giữa DNNVV và doanh nghiệp lớn, Luật về Các biện pháp đặc biệt để phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ…
Trong giai đoạn đầu tiên hỗ trợ DNNVV, Chính phủ Hàn Quốc chỉ đưa ra Luật cơ bản về DNNVV mang tính chất định hướng và tạo hành lang pháp lý để xây dựng các đạo Luật cụ thể hỗ trợ DNNVV về sau này. Các Luật cụ thể riêng biệt được ban hành sau đó nhằm để giải quyết các vấn đề cụ thể mà DNNVV gặp phải trong quá trình phát triển.
Các chính sách đều được quy định nhất quán, thống nhất và phù hợp với các quy định hiện hành tại các đạo luật cơ bản như Luật Doanh nghiệp, Đạo luật Thuế…
Như vậy, có thể thấy rằng việc hoàn thiện thể chế, tăng cường hỗ trợ pháp lý DNNVV là việc làm rất cần thiết. Điều này còn tạo ra điểm nhấn và khẳng định mối quan tâm của Chính phủ trong việc phát triển DNNVV.
Đối với Việt Nam, việc phát triển DNNVV không chỉ cần có chương trình, chính sách hỗ trợ, có quan điểm, chiến lược đúng đắn mà còn cần đến sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp với nhau.
Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý cho doanh nghiệp, đồng thời có định hướng phát triển DNNVV rõ ràng, phù hợp với từng giai đoạn và phải khuyến khích, điều tiết hợp lý bằng hệ thống chính sách linh hoạt và phù hợp với yêu cầu của giai đoạn đó.
Song song đó, việc thực hiện các bước trong công tác hỗ trợ pháp lý phải thực hiện từ việc nghiên cứu nhu cầu cần hỗ trợ pháp lý của DNNVV; đối tượng doanh nghiệp cần hỗ trợ pháp lý; thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đánh giá kết quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và việc tiếp nhận các phản hồi của doanh nghiệp về các chính sách, pháp luật để hoàn thiện hệ thống pháp luật.