Vị tổng giám đốc của BKAV đưa ra nhận định “nhiều reviewer Việt Nam “đang ở trên Mount Stupid”.
Tuần qua, Công ty BKAV và CEO Nguyễn Tử Quảng đã gây nên tranh cãi lớn khi chỉ trích các reviewer Việt Nam “không đủ trình độ chuyên môn”, đánh giá sản phẩm “theo những gì nhà sản xuất đưa cho họ” và “nhận được nhiều tiền, thường xuyên thì có xu hướng nói tốt”.
“Do không có trình độ chuyên môn, nên khi đánh giá sản phẩm, họ hầu như sẽ nói theo những gì nhà sản xuất đưa cho họ. Như vậy, họ không giữ được sự khách quan, độc lập của một reviewer đúng nghĩa. Nhận được nhiều tiền, thường xuyên thì có xu hướng nói tốt cho nhà sản xuất tương ứng. Không đưa tiền thì không nói. Nhận thấy bản chất của nhóm “reviewer” nói trên, với cách làm như vậy không giúp ích gì cho người tiêu dùng, cho thị trường, chúng tôi quyết định kể từ năm nay không làm việc với họ nữa.”, CEO BKAV viết trên mạng xã hội.
Vụ việc bắt nguồn khi BKAV mở bán tai nghe AirB và AirB Pro. Một số reviewer công nghệ tại Việt Nam đã mua và đăng tải các bài đánh giá lên Youtube và các mạng xã hội. Hầu hết các reviewer đều đánh giá AirB không có ưu điểm rõ ràng so với các sản phẩm đến từ các thương hiệu khác, khi chiếc tai nghe này có chất âm không có gì nổi trội, trong khi chất lượng hoàn thiện lại không cao và gặp phải một số vấn đề về kết nối.
Những đánh giá này trái ngược hoàn toàn so với những tuyên bố của BKAV và CEO Nguyễn Tử Quảng, khi từng khẳng định rằng AirB “có chất âm tương đương các sản phẩm giá gấp đôi”, “thiết kế cao cấp”, “hoàn thiện tinh xảo”…
Sau CEO Nguyễn Tử Quảng, mới đây, thêm một vị lãnh đạo của BKAV đã có lời chỉ trích các reviewer Việt Nam. Thông qua group Góc Nhìn Bphone, ông Lâm Hồng Quang nói nhiều reviewer Việt Nam “đang ở trên Mount Stupid”, sau đó đưa ra câu chuyện “Ếch ngồi đáy giếng” để so sánh. Ông Lâm Hồng Quang hiện đang giữ chức Tổng giám đốc phụ trách Phần mềm Mobile của BKAV.
“Nhiều bạn Reviewer Việt Nam đang ở trên Mount Stupid. Họ thiếu kiến thức nhưng lại không đủ trình độ để hiểu rằng mình thiếu kiến thức, tự tin thì cao ngút trời. Các cụ Tây đã nghiên cứu, đúc rút rồi. Chỉ khổ những người xem đang đặt niềm tin vào họ.
Các cụ Ta thì cũng đã đúc rút về cái này rồi nốt. Trích đoạn đầu của truyện “Ếch ngồi đáy giếng”: “Có một con ếch sống lâu ngày trong một giếng nọ. Xung quanh nó chỉ có vài con nhái, cua, ốc bé nhỏ. Từ dưới đáy giếng nhìn lên, ếch ta chỉ thấy một khoảng trời bé bằng cái vung. Nó nghĩ: Tất cả vũ trụ chỉ có vậy, vì thế ếch tự coi mình là chúa tể. Hằng ngày nó cất tiếng kêu ồm ộp làm vang động cả giếng, khiến các con vật kia rất hoảng sợ. Ếch cứ tưởng bầu trời trên đầu chỉ bé bằng chiếc vung và nó thì oai như một vị chúa tể.””, bình luận của ông Quang viết.
Giải thích ngắn gọn về “Mount Stupid”, đây là một giai đoạn của Hiệu ứng Dunning-Kruger khi một người tự tin thái quá về khả năng của mình, trong khi kiến thức thật sự lại không có.
Khi được một người dùng hỏi về trình độ chuyên môn của CEO Nguyễn Tử Quảng trong việc phòng chống dịch COVID-19, một lĩnh vực mà trước đây BKAV chưa từng tham gia trước thời điểm COVID-19, ông Quang phản hồi:
“Ờ. Không có chuyên môn nhưng lại được mời làm Kiến trúc sư trưởng của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia, được mời đi họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 Quốc gia, được mời họp với UBND Hà Nội về chống dịch. Thế mới lạ.”