Những doanh nghiệp như dòng họ FLC nhất định phải được ghi vào lịch sử kinh tế Việt Nam hiện đại nói chung và lịch sử chứng khoán Việt Nam thời kỳ mông muội, rừng rú với những giá trị bị đảo lộn, với sự dễ dãi của nhà chức trách khi duyệt doanh nghiệp lên sàn. Thời mà cứ bánh vẽ công ty rồi lên sàn, bán giấy lấy tiền thật về.
Trên sàn chứng khoán, Chủ tịch Tập đoàn FLC hiện đang sở hữu khối tài sản trị giá gần 5.000 tỷ đồng. Trong đó bao gồm 3.231 tỷ đồng cổ phiếu FLC, 1.386 tỷ đồng cổ phiếu GAB, 179 tỷ đồng cổ phiếu ROS và 49 tỷ đồng cổ phiếu ART. Ông Quyết hiện là người giàu thứ 37 trên thị trường. Về mặt doanh nghiệp, báo cáo tài chính hợp nhất của FLC cho biết, tập đoàn này đang có khoảng 355 tỷ đồng tiền mặt và các khoản gửi tiết kiệm ngân hàng.
Về tiền mặt cá nhân, không thể xác định ông Quyết đang nắm trong tay bao nhiêu tiền, nhưng ông Quyết vẫn đổ hàng nghìn tỷ đồng vào các đợt tăng vốn của Bamboo Airways hay FLC. Cụ thể, hồi đầu năm 2021, Bamboo Airways tăng vốn điều lệ từ 7.000 tỷ đồng lên 10.500 tỷ đồng. Trong đợt này, riêng ông Quyết tham gia góp vốn gần một nửa, khoảng 1.738 tỷ đồng trong khi Tập đoàn FLC góp bổ sung 550 tỷ đồng. Sắp tới đây, Tập đoàn FLC sẽ phát hành cổ phiếu tỷ lệ 10:7, dự kiến thu về gần 5.000 tỷ đồng. Với việc sở hữu 215 triệu cổ phiếu, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết dự kiến góp khoảng 1.500 tỷ đồng trong đợt tăng vốn này.
Một tập đoàn vẽ ra những dự án tỷ usd, chục tỷ usd về bất động sản, du lịch rồi hàng không, xây dựng, nông nghiệp…nhưng lãi lại đến từ mua bán chứng khoán. Quý 4, FLC lãi từ bán chứng khoán lên tới 4.700 tỷ. Có biết bao nhà đầu tư gà mơ đã bị rơi vào những nồi nước sôi như FLC Faros để rồi bị luộc chín hết cả, game này game kia vỡ tan tành cuốn theo tiền bạc, nhà cửa…
Từ mức giá đỉnh cao 182.000 đồng rơi về mức giá trà đá 2.100 đồng/cổ phiếu ở Việt Nam mình mấy ai làm được. Một doanh nghiệp vốn điều lệ 5.600 tỷ nhưng lãi 2 tỷ, PE cổ phiếu 1.147. Những người mua ROS phải mất tới 1.147 năm mới hoà vốn với mức sinh lời hiện nay của doanh nghiệp. Các cổ phiếu họ FLC đa phần đều mua bán lòng vòng, sở hữu chéo tùm lum, do đó doanh thu và lợi nhuận, các khoản đầu tư đều không được thuyết minh rõ ràng. Như GAB – cty gạch của FLC với mức PE 1.864 thì người mua cổ phiếu mất 1.864 năm để hoà vốn, gạch này ném vỡ mặt nhà đầu tư mất thôi. Chung quy lại nó là đánh bạc hợp pháp chứ đầu tư gì với cái PE >1.000.
Một hãng bay non trẻ nhưng báo lãi trước thuế 400 tỷ năm 2020 – một năm mà ngành hàng không vật lộn với khủng hoảng covid-19, nhiều hãng bay phá sản, thua lỗ hàng tỷ usd. Khoản lãi kia không biết từ bút toán nào mà có, hay từ trên trời rơi xuống vì Bamboo không công khai báo cáo tài chính. Nhưng lãi đường hoàng, sao phải chây ì, chiếm dụng vài trăm tỷ thuế phí không trả cho ACV (mới đây FLC cũng thua kiện HBC do không trả tiền nhà thầu). Báo lãi ầm ầm là thế mà trong văn bản của Hiệp hội Hàng không gửi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nói Bamboo kiến nghị được Chính phủ chấp thuận cho vay 5.000 tỷ lãi suất 0% theo hình thức tái cấp vốn, và chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho vay 5.000 tỷ nữa với lãi suất hỗ trợ. Căng nhỉ, trong khi đó Bamboo cũng mới tăng vốn lên 10.500 tỷ. Từ mức 700 tỷ vèo cái lên 10.500 tỷ, Thánh Gióng .
Có một lý do là dù trái đất tận thế thì Bamboo vẫn phải được xào xáo ra một báo cáo đẹp để đạt điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán (2 năm lãi liên tiếp), bán cổ phiếu thu tiền tươi. Buồn cười nhất quả vốn tăng khủng như Thánh Gióng đứng thứ 2 chỉ sau Vietnam Airlines, gấp đôi vốn Vietjet nhưng doanh thu thì bé xíu. Thế mới thấy độ ảo của vụ tăng vốn.
Cứ vài năm, tỷ phú lại đưa một doanh nghiệp khủng niêm yết, bán giấy lấy tiền thật, có lúc còn bán chui bị phạt thì chẳng mấy chốc mà thành tỷ phú giàu nhất thế giới. Các F0 khi xuống tiền mua cổ phiếu bằng những đồng tiền xương máu hãy nghĩ cho thật kỹ: “Bị lừa lần đầu có thể là lỗi của họ, nhưng bị lừa thêm nhiều lần nữa, chắc chắn là lỗi của ta rồi”.
FLC có lãi nhờ thanh lý các khoản đầu tư
Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần hợp nhất của FLC đạt 3.748 tỷ đồng, thấp hơn 40% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu của FLC sụt giảm mạnh do tập đoàn không còn hợp nhất kết quả của hãng hàng không Bamboo Airways vào báo cáo tài chính. Tại thời điểm 30/6, FLC chỉ còn sở hữu 25,9% cổ phần Bamboo Airways và không còn là công ty mẹ của hãng bay này.
Cùng với doanh thu, giá vốn của FLC cũng giảm mạnh do không còn hợp nhất với Bamboo Airways. Nhờ đó, FLC vẫn ghi nhận lãi gộp 58,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gộp gần 2.250 tỷ đồng. Mặc dù hoạt động kinh doanh cốt lõi có lãi nhưng khoản lợi nhuận gộp nói trên chỉ tương đương khoảng 1/10 tổng các khoản chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp lên tới gần 580 tỷ đồng trong kỳ. FLC thoát lỗ nhờ khoản thu hơn 599 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, tăng 32% so với với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của FLC sau nửa đầu năm đạt hơn 65 tỷ đồng, cải thiện rõ rệt so với khoản lỗ ròng 2.970 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Báo cáo tài chính cho thấy doanh thu tài chính của FLC chủ yếu đến từ việc thanh lý các khoản đầu tư với khoản tiền thu về lên tới hơn 410 tỷ đồng. Năm 2020, FLC đặt kế hoạch doanh thu hơn 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 880 tỷ đồng. Như vậy, tập đoàn này mới đạt 25% chỉ tiêu doanh thu và 7% chỉ tiêu lợi nhuận sau 2 quý đầu tiên. Đến ngày 30/6, tổng tài sản của FLC hơn 32.000 tỷ đồng, giảm hơn 15%. Trong đó, lượng tiền mặt của tập đoàn là hơn 132 tỷ đồng, giảm hơn 1.082 tỷ so với cuối năm 2020 (tương đương giảm 89%) và chỉ chiếm 0,4% tổng tài sản.
Trong kỳ, khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết tăng lên hơn 4.300 tỷ đồng, gấp 5,6 lần đầu năm do chuyển Bamboo Airways từ công ty con thành công ty liên kết. Tại thời điểm cuối quý II, FLC đang góp hơn 4.100 tỷ đồng (tương đương sở hữu 25.88%) vào Bamboo Airways, tăng 15% so với đầu năm. Trong ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4/2021, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch FLC cho biết dù FLC đã không còn là công ty mẹ của Bamboo Airways nhưng cá nhân ông và FLC vẫn đang sở hữu trên 80% cổ phần hãng hàng không này. Cuối tháng 6, FLC nắm giữ gần 265 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh, gấp 70 lần so với đầu năm. Trong đó, phần lớn là cổ phiếu HAI của Công ty Cổ phần Nông dược H.A.I. Tuy nhiên, tập đoàn phải trích lập dự phòng tới 160 tỷ đồng cho khoản đầu tư trên.
6 tháng đầu năm, nợ phải trả của FLC giảm gần 2.200 tỷ xuống còn 22.218 tỷ đồng, chiếm 69% tổng nguồn vốn của tập đoàn. Trong đó, vay nợ ngắn hạn của tập đoàn FLC vào cuối tháng 6 giảm hơn một nửa so với đầu năm, về còn gần 2.100 tỷ đồng. Trong khi đó, vay nợ dài hạn tăng 71% lên gần 3.750 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm hơn 3.600 tỷ, xuống 9.814 tỷ đồng do không còn hợp nhất với Bamboo Airways.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)