Rất nhiều trường hợp bị giả mạo CMND để vay tín dụng dù bản thân chính chủ không vay nhưng vẫn mắc nợ.
Một người đàn ông sau khi làm thủ tục thẻ tín dụng tháng 3 mới phát hiện có khoản vay 35 triệu đồng tại Công ty tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) từ năm 2019. Khoản vay này chậm trả nên bị xếp vào diện nợ xấu.
Sau khi tìm hiểu thông tin, anh phát hiện có hợp đồng vay đứng tên và chứng minh thư nhân dân (CMND) của mình, dù trước đó chưa từng liên hệ hay giao dịch với công ty tài chính này. Hồ sơ vay dựa trên CMND nhưng lại là nữ, tài khoản giải ngân trùng với họ tên được mở tại một ngân hàng khác và không phải của anh. Đây là một trong rất nhiều trường hợp bị giả mạo CMND kiểu này, không vay nhưng vẫn mắc nợ.
Cách đây không lâu, một chủ doanh nghiệp khác cũng nhận được giấy đòi nợ từ FE Credit gửi tới tận nhà. Trên hồ sơ đòi nợ, khoản vay được cấp dựa trên CMND đã mất của anh, nhưng gương mặt và số điện thoại đăng ký vay tiền lại của người khác.
Trả lời VnExpress, đại diện FE Credit cho biết, qua bước đầu xác định, hồ sơ vay của một số khách hàng bị kẻ gian giả mạo và được thực hiện qua ứng dụng $nap (ứng dụng cho vay online của FE Credit). Công ty đã tiến hành rà soát lại các hợp đồng vay tiền hiện hữu trên hệ thống nhằm sớm phát hiện những trường hợp tương tự.
Theo đại diện này, nếu như khách hàng bị giả mạo hồ sơ, mắc nợ, công ty tài chính cũng là nạn nhân vì họ bị chiếm dụng vốn. Hầu hết trường hợp bị giả mạo hồ sơ sẽ được họ điều chỉnh và làm thủ tục đề nghị CIC xoá nợ xấu nhưng có thể khiến nhiều người vô can mất thời gian, công sức.
Đa phần kẻ lừa đảo làm giả hồ sơ mạo danh, đăng ký khoản vay và được duyệt qua ứng dụng vay nhanh $nap của FE Credit. Chúng dùng thông tin của người dùng nhưng thay đổi số điện thoại, địa chỉ. Khách hàng tải ứng dụng về điện thoại, nhập thông tin cá nhân, cung cấp chứng từ gồm chứng minh nhân dân, giấy đăng ký xe, hóa đơn tiền điện. Hệ thống sẽ tự động thẩm định hồ sơ và trả kết quả trong 15 phút và giải ngân trong 24 giờ.
Để nhận diện khách hàng trực tuyến, FE Credit sử dụng dịch vụ của đối tác thứ ba. Sau bước nhận diện khách hàng, hệ thống sẽ quyết định phê duyệt khoản vay tùy thuộc vào sản phẩm vay, các giấy tờ khách hàng cung cấp và lịch sử tín dụng.
Theo chuyên gia, công nghệ nhận diện khách hàng trực tuyến (eKYC) mà công ty tài chính đang sử dụng còn nhiều thiếu sót. Có nhiều bộ quy tắc phân tích và nhân diện CMND thật giả dựa trên ánh sáng, tem, ký tự nhưng không phải đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ eKYC nào cũng đủ nguồn lực và đầu tư để làm tốt việc đó, chuyên gia này cho hay.
Dù đối tượng giao dịch trực tiếp mà dùng sử dụng phôi CMND cũng khó nhận ra. Tuy nhiên thủ tục đơn giản của ứng dụng cho vay online tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ gian thực hiện một loạt hồ sơ giả mạo nhanh chóng.
Giám đốc một ngân hàng số đánh giá, việc dễ dàng cấp khoản vay trực tuyến mà không cần gặp mặt trực tiếp khách hàng sẽ có rủi ro, như những gì đang xảy ra tại các công ty cho vay tiêu dùng. Dữ liệu hiện nay chưa đủ để đảm bảo tính chính xác tuyệt đối cho giải pháp eKYC. Tại các ngân hàng, khách hàng được xác thực bằng eKYC chưa được phép tiếp cận với đầy đủ dịch vụ như một khách hàng được xác thực trực tiếp. Người này khuyến nghị, công ty tài chính cần thêm chốt chặn trước khi cho vay hoặc quy định chỉ giải ngân qua ứng dụng với số tiền tối đa nhất định.
FE Credit khẳng định sẽ tăng thêm nhiều bước xác thực dữ liệu trong quá trình định danh khách hàng. Đồng thời cho biết đang nghiên cứu các giải pháp ngăn chặn rủi ro từ các hành vi gian lận tín dụng và rất mong chờ Nhà nước sớm triển khai rộng rãi gắn chíp điện tử cho thẻ căn cước công dân.