Trước khi Ngân hàng Nhà nước công bố chính thức, nhiều diễn đàn nhà đất liên tục chia sẻ các bài viết về khả năng nới room như là một tín hiệu tích cực đối với thị trường bất động sản những tháng cuối năm. đến khi ngân hàng nhà nước công bố nới tín dụng thì nhiều dự án “đua” nhau mở bán sau khi có thông tin nới room tín dụng…
Ngay khi có thông tin về việc nới room tín dụng, đã có khoảng 60 dự án công bố ra hàng hoặc mở bán trở lại từ nửa cuối tháng 8/2022 và đầu tháng 9/2022, phần lớn ở khu vực phía Nam và chủ yếu là các dự án đủ điều kiện mở bán từ đầu năm nhưng phải tạm hoãn trước động thái kiểm soát chặt tín dụng của cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhìn nhận, mặc dù việc nới room tín dụng lần này không dành cho tất cả các ngân hàng, mức nới thêm cũng không nhiều và việc giải ngân cho vay bất động sản còn chưa rõ ràng, nhưng trước mắt vẫn mang lại hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, các dự án bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực cần được “bơm” vốn nhiều hơn, bởi lẽ nguồn vốn từ ngân hàng rất quan trọng đối với doanh nghiệp, được ví như “bà đỡ” cho các dự án trong giai đoạn chưa đủ điều kiện huy động vốn từ ngân hàng.
“Có thể hiểu ngành ngân hàng đang phải cân nhắc kỹ về việc dòng vốn không nên dễ dãi đưa vào những hoạt động không phải sản xuất – kinh doanh trực tiếp, song cần đưa vào các dự án phục vụ nhu cầu thực, tạo lợi ích cho cả người dân, doanh nghiệp, xã hội và nền kinh tế”, ông Đính nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng, sẽ phù hợp hơn nếu Ngân hàng Nhà nước xem xét nâng room tín dụng cả năm 2022 từ mức mục tiêu 14% lên mức 15-16% để có thêm khoảng 200.000 tỷ đồng đưa vào nền kinh tế trong những tháng cao điểm sản xuất – kinh doanh cuối năm.
“Ngân hàng Nhà nước có cơ sở để xem xét nâng room tín dụng thêm 1-2% nữa trong năm nay do kinh tế vĩ mô đang duy trì sự ổn định, lạm phát được kiểm soát, dự trữ ngoại hối vẫn ở mức cao hơn 100 tỷ USD…, được các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao”, ông Châu nói.
PGS-TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, một trong những điểm tích cực trong quan điểm làm chính sách thời gian gần đây là không có sự “quay xe” đột ngột, do đó các doanh nghiệp và nhà đầu tư có cơ sở hơn khi hoạch định hướng đi sắp tới của họ. Về nguồn vốn, hiện chưa có số liệu chính thức nhưng quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là rất rõ ràng.
“Hiện giải ngân đầu tư công mới đạt 40% kế hoạch và Chính phủ muốn đẩy lên 90% tính đến cuối năm, hay như gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đến nay tiến độ giải ngân mới đạt 17%. Những luồng vốn này nếu thấm qua các dự án vào nền kinh tế, vào khu vực tư nhân sẽ giảm áp lực lên các nguồn vốn khác”, ông Thiên nói và cho biết thêm, một vấn đề khác đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm đó là sửa Nghị định 153/2020 về trái phiếu doanh nghiệp, làm sao để không bị ách tắc, dừng đột ngột, giúp tiếp nối dòng chảy vốn vì đây là nguồn vốn dài hạn quan trọng của doanh nghiệp.
“Tinh thần chỉnh sửa Nghị định đã có sự cởi mở hơn cho các dự án tốt, các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm cao được tiếp cận nguồn vốn này dễ dàng, từ đó giúp thị trường vốn nói chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, không chỉ hồi phục mà còn có bước tiến mạnh”, ông Thiên nhấn mạnh.
Mặc dù lượng vốn tăng thêm chảy vào thị trường địa ốc được dự báo không nhiều, nhưng việc ngân hàng được cấp thêm hạn mức cho vay cũng có tác động tích cực nhất định, bởi việc được cấp tín dụng lúc này cũng chính là yếu tố bảo chứng cho dự án cũng như chủ đầu tư, tạo niềm tin để dòng tiền quay trở lại thị trường.
Tổng Hợp