Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam không phải thị trường thật sự. Việt Nam phải xây dựng hệ thống giống thông lệ quốc tế, phải lành mạnh, minh bạch.
Theo Lãnh đạo Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), vấn đề phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu BĐS trong thời gian gần đây chưa tuân thủ quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường BĐS.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, hiện có 3 dòng vốn chính cho doanh nghiệp BĐS thì 2 dòng đang bị “bóp” là tín dụng và trái phiếu. Kênh huy động từ khách hàng cũng đang “tắc” thì làm sao doanh nghiệp BĐS tồn tại? Ngoài ra, trái phiếu “rác” trong lĩnh vực BĐS làm ảnh hưởng toàn bộ hoạt động phát hành trái phiếu huy động vốn của doanh nghiệp. Vì vậy, cần chấn chỉnh, phân loại, xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp để có thể cởi trói cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu lành mạnh. Cần theo dõi sát diễn biến thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực BĐS nhằm kịp thời kiểm soát, điều chỉnh chính sách để thị trường BĐS phát triển ổn định, góp phần vào ổn định chung cho cả nền kinh tế.
Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Chính phủ liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, có 20 doanh nghiệp BĐS vay nợ trong dân thông qua phát hành trái phiếu nhiều nhất trong năm 2021 với tổng số tiền lên đến hơn 100.000 tỷ đồng với mức lãi vay từ 8% đến 12,9%/năm.
Đáng chú ý, trong nhóm 20 doanh nghiệp BĐS có lượng phát hành trái phiếu nhiều nhất năm vừa qua có nhiều doanh nghiệp phát hành huy động số lượng vốn cao gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, phải kể đến Công ty TNHH kinh doanh BĐS Mediterranena Revival Villas, vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu bằng 4.705% vốn chủ sở hữu.
Hay Công ty CP Osaka Garden phát hành trái phiếu huy động lượng vốn bằng 2.852% vốn chủ sở hữu. Năm vừa qua, công ty này phát hành 7.700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp nhưng vốn chủ sở hữu chỉ 270 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng cần kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng BĐS đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với lĩnh vực bất động sản theo đúng quy định pháp luật.
Ông cũng đặc biệt lưu ý đến việc kiểm soát phát hành trái phiếu doanh nghiệp BĐS (nhất là trái phiếu riêng lẻ), hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán để tránh đầu cơ, thao túng… Các cơ quan hướng dẫn thực hiện hoạt động phát hành trái phiếu, huy động vốn trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp BĐS theo đúng quy định, tạo điều kiện, không làm cản trở hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp có đủ năng lực, hoạt động kinh doanh tốt, hiệu quả, lành mạnh…
Ngoài ra, ông đề nghị nghiên cứu, đề xuất các quy định về thuế đối với việc sử dụng BĐS, hoạt động giao dịch, kinh doanh để hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ.
Giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân. Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp càng khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở. Từ năm 2021 đến nay, ở nhiều địa phương tại một số khu vực, địa điểm có hiện tượng tăng giá đột biến, sốt giá đất nền, với tỷ lệ tăng 30-50% thậm chí cao hơn so với cuối năm 2020.
Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và thị trường BĐS tại các địa phương có tồn tại, bất cập. Một số địa phương có hiện tượng tách thửa, phân lô bán nền không đúng quy định, không phù hợp quy hoạch, thiếu hạ tầng nhưng chưa được kiểm tra, xử lý triệt để; công tác thông tin, công khai minh bạch về quy hoạch và các dự án hạ tầng, nâng loại đô thị, đơn vị hành chính còn chưa đầy đủ, kịp thời.
Tổng Hợp