Chuyên gia cho rằng nhà ở sơ cấp sẽ khó có thể giảm giá trong năm 2022, do chi phí phát triển dự án đang tăng mạnh…
Nhà ở sơ cấp sẽ khó có thể giảm trong năm 2022, do chi phí phát triển dự án gồm tiền đền bù và chi phí tài chính tăng cao trong bối cảnh dự án kéo dài trong các năm qua và chi phí nguyên vật liệu xây dựng đang tăng mạnh. Các chủ đầu tư có thể sẽ tiếp tục đưa ra các chính sách bàn giao tốt hơn, hỗ trợ kéo dài tiến độ thanh toán để kích cầu thay vì giảm giá bán sơ cấp.
Theo số liệu của các công ty nghiên cứu thị trường, trong 3 quý đầu năm 2021, tỷ lệ căn hộ giá bình dân đã bị giảm sút một cách đáng ngại. Trong khi đó, phân khúc cao cấp tiếp tục tỷ lệ áp đảo. Giá nhà đất liên tục tăng đã tạo ra lo ngại giá nhà tăng nhanh nhưng không có người mua. Tại TP.HCM, căn hộ bình dân hầu như vắng bóng, không có dự án nào nằm ở phân khúc 25 triệu đồng/m2. Chưa kể, giá bán căn hộ sơ cấp đã tăng rất cao, lên tới 15% so với đầu năm. Giá bán tăng cao không chỉ ở căn hộ chung cư, mà còn ở đất thổ cư, nhà liền kề và biệt thự. Tuy vậy, không phải dự án nào cũng bán hàng được tốt.
Nhóm nghiên cứu Vndirect cũng cho rằng giá bán căn hộ sơ cấp tại TPHCM sẽ tiếp tục xu hướng tăng 1%-7% so với cùng kỳ ở tất cả phân khúc, trong đó phân khúc trung cấp sẽ tăng mạnh nhất 7% so với cùng kỳ do nhu cầu cao trong khi nguồn cung hạn chế. Phân khúc hạng sang sẽ tiếp tục sôi động trong 2022 với sự ra mắt của các dự án tọa lạc tại vị trí “vàng” tại quận 1, TPHCM và TP Thủ Đức, sau khi một dự án căn hộ thương hiệu đã thiết lập mức giá mới 16.500-18.000 USD/m2 (hơn 400 triệu đồng) trong năm nay.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng giá đất tại các vùng lân cận TPHCM sẽ tiếp tục tăng ấn tượng trong 2022, nhờ việc mở rộng đường cao tốc đến khu vực phía Tây và ven biển với các dự án hạ tầng đang triển khai như cao tốc Bến Lức – Long Thành, Dầu Giây – Phan Thiết, sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Triển vọng khả quan cho thị trường bất động sản nhà ở tại các tỉnh lân cận của TPHCM trong năm 2022, đón nhận những tích cực từ cả cung cầu và giá bán. Sau những thời gian trải nghiệm làm việc tại nhà trong thời kỳ đại dịch, người mua nhà sẽ chú ý tới những ngôi nhà có diện tích lớn hơn, hướng đến môi trường sống tích hợp, cung cấp đa dạng tiện ích giải trí, thể thao và làm việc. Trong bối cảnh giá nhà đất tăng cao tại TPHCM cùng với nguồn cung hạn chế kể từ năm 2018, Vndirect cho rằng sẽ là cơ hội cho các tỉnh lân cận của TPHCM như Long An và Đồng Nai. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng những khu vực vệ tinh này cũng đang dần được hoàn thiện giúp rút ngắn thời gian đến TPHCM, từ đó giúp củng cố quyết định mua nhà vùng ven.
Khác với 10 năm trước, hiện thị trường đang khan hiếm nguồn cung, nên ngoài những hiện tượng giá bán tăng cao và nhanh thì vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy đã hình thành “bong bóng” BĐS. Theo giới chuyên gia, năm 2022 được xem là giai đoạn để thị trường bất động sản phục hồi và cũng là chu kỳ mới để cho các doanh nghiệp có nền tảng ổn định và tăng trưởng hơn. Hiện nay, thị trường nhà ở thấp tầng chịu ảnh hưởng bởi nguồn cung mới hạn chế đến từ các hoạt động mở bán bị trì hoãn và vấn đề pháp lý của một số dự án vẫn chưa được giải quyết. Sự thận trọng của người mua trong thời kỳ đại dịch và hàng tồn kho giá cao cũng là lý do khiến lượng giao dịch sụt giảm mạnh. Song, đây là lĩnh vực được đánh giá có triển vọng phục hồi nhanh chóng và đạt mức giao dịch như trước đại dịch.
Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp vẫn phản ánh còn nhiều vướng mắc khi triển khai dự án; hầu hết vướng mắc đều liên quan tới thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và các lĩnh vực liên quan. “Ma trận” thủ tục hành chính quá rườm rà đã cản trở việc thu hút đầu tư nước ngoài vào nước ta. Bởi khi các nhà đầu tư vào Việt Nam, chỉ số cấp phép xây dựng là một trong các chỉ số được các nhà đầu tư quan tâm nhất. Nhưng chúng ta đang vướng điểm này vì thời gian thực hiện cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan rất dài và chồng chéo.
Các chuyên gia bất động sản nhận định, sang năm 2022, xu hướng giá bất động sản có thể tiếp tục tăng ở mức cao vì nguồn cung eo hẹp. Phần lớn do thủ tục đầu tư vẫn chưa được tháo gỡ triệt để trong khi lực cầu đang được duy trì và có chiều hướng tăng mạnh hơn.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)