Việc Ngân hàng Nhà nước cấp thêm room tín dụng là cơ hội để ngân hàng mở rộng dư địa cho vay trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, cho dù room nới thêm không nhiều.
Công ty Chứng khoán SSI đưa ra nhận định, trong 2 quý cuối năm 2022, các ngân hàng vẫn có thể ghi nhận lợi nhuận tốt do được Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng, qua đó đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận cao trong cả năm nay. Theo SSI, thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu ngân hàng tuy có nhịp hồi phục khá tích cực, nhưng tính từ đầu năm vẫn giảm mạnh, sự điều chỉnh này phản ánh cả môi trường lãi suất dần đi lên cũng như lo ngại nợ xấu tăng, trong đó rủi ro tín dụng bất động sản có thể xuất hiện từ đầu năm 2023.
Kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước về xu hướng kinh doanh quý III/2022 cho thấy, các tổ chức tín dụng đều kỳ vọng tín dụng và lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng tốt trong khi mặt bằng lãi suất chỉ tăng nhẹ. Cụ thể, có 72,5-80,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý III và cả năm 2022 với mức độ cải thiện cao hơn so với kỳ liền trước. Trong quý III/2022, có 54,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh tiếp tục “tăng nhẹ” so với quý II/2022; 38,9% tổ chức tín dụng kỳ vọng “không đổi” và 6,5% tổ chức tín dụng lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm nhẹ.
Cả năm 2022, có 87,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2021, trong khi có 8,5% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm (tăng so với mức 5,8% tại kỳ điều tra tháng 3/2022) và 3,8% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận không thay đổi. Đồng thời, việc đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ, gia tăng nguồn thu ngoài lãi cũng sẽ đóng góp tích cực vào lợi nhuận của các ngân hàng.
Theo FiinGroup, room tín dụng được cấp thêm dù ít nhưng vẫn tác động tích cực lên hoạt động cho vay, song triển vọng lợi nhuận cuối năm 2022 của các ngân hàng không giống nhau, nên cơ hội nhóm cổ phiếu “vua” cũng không giống nhau.
Thống kê của FiinGroup cho thấy, có 26/27 ngân hàng niêm yết đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tăng trưởng trên 30% trong năm 2022, nhưng khả năng hoàn thành mục tiêu này sẽ không cao nếu không được cấp thêm hạn mức cho vay. Thực tế, mặc dù tín dụng tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022 (tăng 10,1% đối với các ngân hàng niêm yết), nhưng tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm của ngành mới ở mức 51,5%. Bởi vậy, dù định giá P/B của khối ngân hàng hiện đang thấp hơn mức trung bình 5 năm (1,75x so với 2x), nhưng các chuyên gia FiinGroup cho rằng, cơ hội không đến với tất cả các cổ phiếu ngân hàng, mà sẽ chỉ tập trung vào một số nhà băng có tiềm năng tăng trưởng cao trong nửa cuối năm 2022.
Với định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 ở mức 14%, có điều chỉnh linh hoạt trên cơ sở diễn biến lạm phát, tình hình kinh tế trong và ngoài nước, Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng ngân hàng dựa trên kết quả xếp hạng từng ngân hàng theo quy định tại Thông tư 52/2018 gồm các tiêu chí vốn, chất lượng tài sản, quản trị điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản, mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường. Đồng thời, xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước như giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tín dụng tập trung vào lĩnh vực rủi ro, tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém…
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần đánh giá, việc Ngân hàng Nhà nước cấp thêm room tín dụng là cơ hội để ngân hàng mở rộng dư địa cho vay trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, cho dù room nới thêm không nhiều. Vị này cho biết, ngân hàng ông được cấp thêm hạn mức gần 3% và nhanh chóng giải ngân cho khách hàng vay. Bởi trong những tháng qua, do hạn mức tín dụng gần chạm tỷ lệ được duyệt hồi đầu năm, ngân hàng ông cũng như nhiều ngân hàng khác đã phải “bóc ngắn, cắn dài”, chờ khách hàng vay cũ trả nợ rồi mới cho vay mới. Hiện nay, nhiều khách hàng cũ đang có nhu cầu vay thêm nên ngay khi được nới room, ngân hàng giải ngân ngay cho những hợp đồng này.
Hay tại Sacombank, tính trên tổng quy mô dư nợ hơn 400.000 tỷ đồng vào cuối quý II/2022, với room tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm 4%, nâng tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm lên 11%, nhà băng này còn dư địa cho vay hơn 15.000 tỷ đến hết năm nay.
Tổng Hợp