Xu hướng lãi suất huy động tăng trở lại làm dấy lên lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng theo. Áp lực tăng lãi suất cho vay vẫn hiện hữu, nhất là trong những tháng cuối năm.
Ngân hàng dồn dập tăng lãi suất huy động
Sau thời gian dài im ắng từ cuối tháng 9 và tháng 10, lãi suất huy động đã dồn dập tăng trở lại từ đầu tháng 11.
Trong tháng 11, có 16 tham gia cuộc đua tăng lãi suất huy động. Đó là: Kienlongbank, CBBank, SeABank, BaoViet Bank, HDBank, GPBank, LPBank, Nam A Bank, IVB, Viet A Bank, VIB, MB, Agribank, Techcombank, ABBank và VietBank. Trong đó, MB, Agribank và VIB là các ngân hàng đã có hai lần tăng lãi suất kể từ đầu tháng 11.
Riêng ABBank đã có 3 lần điều chỉnh lãi suất với mức tăng các kỳ hạn dưới 12 tháng. Nhưng ABBank cũng đã hai lần giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng trong các lần điều chỉnh này.
Đáng chú ý, sau 2 lần tăng lãi suất huy động áp dụng cho cả hình thức gửi tiền ở quầy và online trong tháng này, Agribank đang bỏ xa nhóm Big 4 về lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn. Đơn cử, tại kỳ hạn 3-5 tháng, Agribank đang huy động ở mức 2,9%/năm, trong khi VietinBank và BIDV huy động ở mức 2,3%/năm và Vietcombank là 1,9%/năm.
Hiện lãi suất huy động trung bình khoảng 6%/năm cho các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn ngắn cũng nhích lên mức 4-5%.
Mức lãi suất huy động trên 6%/năm với kỳ hạn dài đã xuất hiện tại nhiều ngân hàng như Ocean Bank, BaoViet Bank, BVBank, HDBank, NCB, ABBank, Bac A Bank, Saigonbank…
Các chuyên gia dự báo lãi suất tiền gửi có thể tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm để tăng thanh khoản cho các ngân hàng, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng tăng cao.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 31/10 đã tăng 10,08% so với cuối năm 2023. Bên cạnh đó, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 9 tăng 4,55% so với cuối năm 2023, gần bằng mức cuối năm 2023 và tăng gấp đôi so với mức 2% của năm 2022. Đây được xem là một yếu tố góp phần thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản.
Ngoài áp lực thanh khoản đáp ứng cầu tín dụng mùa vụ cuối năm, việc tỷ giá nổi sóng gần đây cũng được cho là nguyên nhân chính khiến các ngân hàng đồng loạt tăng biểu lãi suất huy động.
Theo các chuyên gia, việc tăng lãi suất huy động là một bước đi hợp lý trong bối cảnh các ngân hàng phải cạnh tranh với các kênh đầu tư khác như trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu và bất động sản. Đồng thời, áp lực trích lập dự phòng nợ xấu ngày càng lớn khiến ngân hàng cần bổ sung nguồn vốn để duy trì thanh khoản và đảm bảo an toàn tài chính.
Lãi suất cho vay có tăng?
Lãi suất huy động không chỉ phản ánh sức hấp dẫn của hệ thống ngân hàng mà còn là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến lãi suất cho vay.
Làn sóng tăng lãi suất huy động đang làm dấy lên lo ngại về việc lãi suất cho vay cũng sẽ leo thang, đẩy chi phí tài chính lên cao. Thời điểm cuối năm là mùa cao điểm cần vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Việc lãi suất cho vay trở nên “đắt đỏ” có thể làm giảm khả năng tiếp cận tín dụng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán, dù lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm sẽ khó tăng cao. Điều này là do cạnh tranh thị phần giữa các ngân hàng và chính sách của Chính phủ nhằm giữ lãi suất ở mức hợp lý, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Nhìn nhận về vấn đề này, TS Đinh Thế Hiển cho biết lãi suất cho vay đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các ngân hàng trong việc tìm khách hàng, nhất là khách hàng tốt. Vì thế, sẽ khó có việc đồng loạt tăng lãi suất lên cao dịp cuối năm.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân – ĐH Kinh tế TPHCM – nhận định, về cuối năm, nhu cầu cho vay tăng mạnh nên các ngân hàng phải đẩy mạnh lãi suất để huy động vốn, chuẩn bị nguồn tiền để đạt chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng. Việc đẩy mạnh huy động vốn sẽ làm cho lãi suất cuối năm có xu hướng tăng lên. Nhưng việc này không đáng ngại mà mang yếu tố mùa vụ nhiều hơn.
Còn TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động đang có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm nhưng mặt bằng lãi suất cho vay được dự báo vẫn duy trì ở mức ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi trong những tháng cuối năm.
Thủ tướng Chính phủ ngày 27/11 có công điện gửi NHNN về giải pháp điều hành tín dụng. Chính phủ yêu cầu có giải pháp mạnh mẽ để giảm mặt bằng lãi suất vay và giao mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 15%.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về giảm lãi suất cho vay, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình… để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Theo số liệu của NHNN, mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 2,5% trong năm 2023 và tiếp tục có xu hướng giảm trong 10 tháng đầu năm 2024. Tính đến 20/10, lãi suất hiện giảm khoảng 0,76% so với cuối năm 2023.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ rằng, việc điều hành lãi suất cho vay hiện nay gặp không ít khó khăn do áp lực từ thị trường quốc tế và tình hình trong nước. Biến động của đồng USD trong thời gian qua, cùng với những căng thẳng về cung – cầu ngoại tệ, đã khiến NHNN phải ưu tiên ổn định tỷ giá. Nếu lãi suất cho vay giảm mạnh, tỷ giá có nguy cơ tăng cao, gây mất ổn định kinh tế vĩ mô và tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy vậy, NHNN vẫn khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động để giữ ổn định hoặc giảm nhẹ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Nhìn vào diễn biến hiện tại, có thể thấy, lãi suất cho vay khó giảm sâu trong ngắn hạn, nhưng khả năng duy trì ổn định vẫn là mục tiêu ưu tiên của NHNN.
Song, theo các chuyên gia, áp lực tăng lãi suất cho vay vẫn hiện hữu, nhất là khi hệ thống ngân hàng phải đối mặt với bài toán thanh khoản do tín dụng tăng tốc trong những tháng cuối năm. Do đó, để giảm thiểu tác động tiêu cực, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa NHNN, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trong việc cân đối nguồn lực, tối ưu hóa chi phí và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.