Tại một số ngân hàng quy mô, trong đó có nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, tín dụng cũng tăng tương đối thấp trong 9 tháng đầu năm nay…
Cụ thể, cho vay khách hàng của Vietcombank đến cuối quý III/2023 tăng khiêm tốn 3,9% so với đầu năm, trong khi số dư tiền gửi có mức tăng trưởng hơn gấp đôi 8,5%.
Trái lại, tính đến 30/9/2023, cho vay khách hàng của VietinBank tăng 8,7% đạt hơn 1,38 triệu tỷ đồng, trong khi số dư tiền gửi của Ngân hàng chỉ tăng 4,9% với 1,31 triệu tỷ đồng.
Ở khối ngân hàng thương mại tư nhân, tín dụng đến cuối tháng 9/2023 của ABBank chỉ tăng 4%; của VietABank tăng 7%; BVBank, Saigonbank đều chỉ tăng 4,3%… Thậm chí, ngay cả những nhà băng quy mô như Eximbank tín dụng 3 quý đầu năm nay chỉ tăng 4%.
Ngược lại, tín dụng ACB, Sacombank đến cuối quý III/2023 tăng lần lượt 8,2% và 7,6%… so với đầu năm nay. Đặc biệt, cho vay khách hàng của MB tăng tới 16,4%, nhưng nợ xấu cũng tăng lên gấp đôi so với cuối năm trước.
Tính đến cuối quý III/2023, tổng tài sản Techcombank mở rộng 12% so với đầu năm, lên 781,279 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN gấp 2.4 lần đầu năm (27,428 tỷ đồng), tiền gửi tại các TCTD khác giảm 10% (còn 63,434 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng 13% (175,605 tỷ đồng).
Tổng tài sản của OCB đạt 216,755 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9/2023, tăng 12% so với đầu năm. Đặc biệt, dư nợ thị trường 1 cũng tăng 10,8% so với cuối năm 2022, đạt 136.105 tỷ, thực hiện 92% kế hoạch năm 2023 nhờ tích cực triển khai hàng loạt gói cho vay với lãi suất ưu đãi và thủ tục đơn giản.
Mặc dù lãi suất có xu hướng giảm trong thời gian qua, nhưng lãi suất cho vay giảm chậm hơn nhiều so với kỳ vọng. Điều này khiến các ngân hàng rơi vào tình trạng dư thừa vốn. Tăng trưởng tín dụng năm nay được các chuyên gia tài chính dự báo chỉ có thể đạt 10-12% so với mục tiêu ngành ngân hàng đưa ra ở mức 13 – 15%.
Thông tin được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng công bố trong cuộc họp Quốc hội sáng 1/11/2023, tính đến cuối ngày 27/10, tín dụng toàn ngành đối với nền kinh tế tăng 7,1% so với cuối năm ngoái.
Trước đó, NHNN cho hay, đến ngày 24/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,81% so với cuối năm 2022 và tăng trưởng tín dụng tại thời điểm ngày 29/9 là 6,92%.
Như vậy, so với mức kế hoạch đặt ra vào đầu năm là 14%, thì tới thời điểm hiện tại, khi hơn 2/3 chặng đường đã qua, mức thực hiện chỉ đạt một nửa. Tín dụng tăng quá chậm là thực tế đã được ghi nhận ngay từ đầu năm 2023, có cải thiện đôi chút vào quý III/2023, nhưng lại chậm lại trong tháng đầu quý IV/2023.
Các nhà phân tích của HSBC cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn suy giảm tín dụng và thương mại, đây là một khó khăn đối với tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tín dụng giảm kể từ tháng 11/2022 và vẫn chưa có dấu hiệu chạm đáy.
Với tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện tại, giới phân tích cho rằng, mục tiêu 14% năm nay là khó khả thi. Tăng trưởng tín dụng năm nay có thể chỉ đạt khoảng 12%, do thị trường bất động sản trầm lắng, xuất khẩu giảm tốc, hoạt động sản xuất gặp khó khăn…
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của tổ chức tín dụng (TCTD) trong quý IV/2023 do NHNN thực hiện, tỷ lệ các TCTD nhận định, nhu cầu vay vốn của khách hàng “cải thiện” trong quý III/2023 đã thấp hơn so với quý II/2023, cũng như thấp hơn với kỳ vọng của kỳ điều tra trước.
Tổng Hợp
(ĐTCK)