Hiện các doanh nghiệp đang gặp khó trong việc tiếp cận các kênh vốn để đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn từ kênh ngân hàng rất khó khăn do room tín dụng đã hết, đồng thời, lãi suất vay đã tăng rất cao. Gỡ khó thị trường chứng khoán và trái phiếu, các doanh nghiệp cho rằng quan trọng nhất hiện nay…
Thực tế, trong thông điệp phát đi từ Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng đã chỉ ra rằng, đến nay tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 11,5%, do vậy, vẫn còn dư địa để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục tăng trưởng tín dụng (chỉ tiêu định hướng là 14% toàn ngành).
Vì vậy, nhà điều hành tiền tệ yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng thể hiện rõ quan điểm, các ngân hàng giải ngân tín dụng phải vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhưng vẫn phải đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Cộng hưởng các yếu tố trên, có thể thấy ngay cả các ngân hàng còn room tín dụng hoặc được cấp thêm room tín dụng cũng chưa chắc có thể mở rộng cấp vốn cho nền kinh tế.
Còn theo TS.Lê Xuân Nghĩa – Chuyên gia kinh tế, hiện tại thanh khoản của nền kinh tế bắt đầu suy kiệt, điều quan trọng nhất hiện nay đó là Ngân hàng Nhà nước phải “bơm” tiền, đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng. Bởi theo thống kê của các nhân TS. Lê Xuân Nghĩa, hiện đang có khoảng trên 20 ngân hàng có tỷ lệ cho vay trên huy động thị trường 1 (thị trường dân cư) trên 90%, trong đó có 4 ngân hàng tỷ lệ này trên 100%.
Mặc dù tín dụng không phải là “tội đồ” gây nghẽn vốn của nền kinh tế, và đến thời điểm hiện tại dù nới room hay không nới room thì việc cấp vốn cho nền kinh tế cũng không đơn giản.
Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ chế điều hành room tín dụng năm nay cũng bộc lộ nhiều điểm bất cập và nhà điều hành cần rút kinh nghiệm.
Biểu hiện, tình trạng tín dụng tăng phi mã trong nửa đầu năm (có thời điểm tăng 17% so với cùng kỳ) sau đó gần như đóng băng trong nửa cuối năm khiến nhiều doanh nghiệp vỡ kế hoạch kinh doanh.
TS. Phạm Thế Anh – Kinh tế trưởng, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) thì đưa ra kiến nghị, sớm chấm dứt việc sử dụng trần tín dụng cũng như các can thiệp hành chính trực tiếp khác trên thị trường vốn/tiền tệ. Thay vào đó, kiểm soát tiền cơ sở và cung tiền và điều tiết gián tiếp qua lãi suất mục tiêu.
Bởi theo vị chuyên gia này, mục tiêu cao nhất của kiểm soát lạm phát là kiểm soát được cung tiền, đặc biệt là tiền cơ sở (tiền in ấn mới phát hành bởi Ngân hàng Nhà nước), không phải kiểm soát tín dụng.
Trong khi đó, mặt trái của trần tăng trưởng tín dụng đó là, ngành ngân hàng trở nên kém cạnh tranh.
“Các ngân hàng tốt hay xấu đều được chia hạn mức, không ngân hàng nào thị phần giảm sút, hay nói cách khác thị phần của ngân hàng không gắn với khả năng cạnh tranh khi vướng trần cho vay”, TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, hệ thống dư thừa dự trữ, thường là do hậu quả của việc tiền tệ hóa thâm hụt ngân sách; Nắn dòng vốn từ ngân hàng vào TPCP, từ đó làm giảm đầu tư tư nhân.
Việc áp dụng trần tín dụng còn gây hậu quả là dòng vốn có thể “trá hình” sang các dạng khác. Từ đó, kéo theo các can thiệp hành chính khác, hạn chế sự phát triển hệ thống tài chính. Đồng thời, đối diện với nguy cơ chuyển dịch tiết kiệm/tài sản trong nước ra nước ngoài.
Tuy nhiên, nới room tín dụng gỡ khó thị trường chứng khoán và trái phiếu có khả thi ở thời điểm hiện tại?
Thống kê từ báo cáo tài chính quý III/2022 của các ngân hàng cho thấy, bản thân các ngân hàng hiện nay cũng đang ở tình trạng “đói” vốn. Biểu hiện là, tỷ lệ cho vay khách hàng/tiền gửi khách hàng hiện nay bình quân vượt 100%, trong khi cuối năm 2021 con số này chỉ ở mức 97,9%.
Tình trạng căng thẳng nguồn vốn của hệ thống là rất dễ hiểu khi tín dụng 10 tháng tăng 11,5%, nhưng huy động vốn chỉ tăng 4,8%. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho biết, hiện nay, dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau, các ngân hàng đang rất khó khăn về hệ số an toàn vốn.
“Ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước có nới thêm room tín dụng, thì ngân hàng thương mại cũng không đủ vốn để cho vay thêm”, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết.
Đối với kênh trái phiếu doanh nghiệp, sau các vụ việc đơn lẻ xảy ra tại Tân Hoàng Minh và An Đông, niềm tin của nhà đầu tư giảm mạnh, hành động rút vốn ồ ạt diễn ra, gây sức ép rất lớn cho việc trả nợ trước hạn của doanh nghiệp, đặc biệt lại trong bối cảnh thanh khoản dòng tiền gặp khó khăn.
Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, dòng vốn lưu động của các ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng, do vậy các ngân hàng cần nới room tín dụng để hỗ trợ dòng tiền ngắn hạn cho doanh nghiệp vượt khó khăn trước mắt.
Tổng Hợp