Trong báo cáo tài chính sau kiểm toán vừa công bố mới đây, FLC Faros cho biết phần vốn vào Bamboo Airways không phải bằng tiền mặt mà bằng quyền khai thác kinh doanh khách sạn 5 sao thuộc Dự án Sea Tower, được định giá 900 tỷ đồng.
Ngày 5/2 năm nay, Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) nâng vốn điều lệ từ 7.000 tỷ lên 10.500 tỷ, tức là tăng thêm 3.500 tỷ đồng.
Trong số này, Tập đoàn FLC chỉ góp thêm 550 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu tại Bamboo Airways bị pha loãng từ 51,29% còn 39,4%.
Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) góp 900 tỷ đồng, tương đương 90 triệu cổ phiếu và chiếm 8,57% vốn điều lệ Bamboo Airways. Quyền khai thác kinh doanh khách sạn 5 sao thuộc dự án Sea Tower của FLC Faros được định giá 900 tỷ đồng, tương đương 8,57% vốn điều lệ của Bamboo Airways.
Các doanh nghiệp FLC, Bamboo Airways, FLC Faros và FLCHomes có chung một số lãnh đạo chủ chốt. Cụ thể, bà Bùi Hải Huyền – Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC đồng thời là Chủ tịch FLCHomes. Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC đồng thời là Chủ tịch Bamboo Airways. Bà Hương Trần Kiều Dung – Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC đồng thời là Chủ tịch FLC Faros. Ông Trịnh Văn Quyết cũng là cổ đông lớn của Bamboo Airways. Tại ngày tăng vốn 5/2 vừa qua, ông Quyết sở hữu 43,24% vốn của hãng hàng không này.
Vào ngày 31/12/2020, FLC Faros cũng đang đầu tư 36,6 tỷ đồng và chiếm 1,33% vốn CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (Mã: AMD). Tuy nhiên, do giá cổ phiếu AMD sụt giảm nên FLC Faros phải trích lập dự phòng hơn 30 tỷ đồng cho khoản đầu tư này.
Báo cáo tài chính kiểm toán của FLC Faros cũng cho thấy lợi nhuận sau thuế năm vừa qua đạt 856 triệu đồng, giảm 58% (tức giảm 1,17 tỷ đồng) so với trước kiểm toán. Theo giải trình của công ty, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp đã tăng lên từ việc loại trừ bổ sung chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Mức lợi nhuận khiêm tốn trên cũng thấp hơn 99,4% so với thực hiện năm 2019.
Ngoài ra, một số chỉ tiêu trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 của FLC Faros phải được điều chỉnh hồi tố theo quyết định ngày 21/1/2021 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Nhắc chuyện cũ: hai kế hoạch chào bán bất thành
Đại hội cổ đông thường niên ngày 12/6/2018 của FLC đã thông qua kế hoạch chào bán 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 42,2%, giá chào bán 10.000 đồng/cp. Mục tiêu là huy động 3.000 tỷ đồng đầu để đầu tư Dự án quần thể FLC Quảng Bình. Tuy nhiên giá cổ phiếu FLC liên tục thấp hơn mệnh giá và kế hoạch phát hành trên đã không được thực hiện.
Sau đó, Đại hội cổ đông thường niên ngày 26/6/2019 lại tiếp tục phê chuẩn kế hoạch chào bán xấp xỉ 300 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp, dự thu khoảng 3.000 tỷ đồng để thực hiện một số dự án, đầu tư vào các công ty con và bổ sung vốn lưu động. “Năm nay chúng tôi lại trình đại hội thông qua kế hoạch tăng vốn thêm 3.000 tỷ đồng nhưng nếu cổ phiếu FLC không trên mệnh giá thì chúng tôi cũng không phát hành”, ông Quyết tuyên bố trước Đại hội thường niên 2019.
FLC đã tích cực thực hiện nhiều công đoạn chuẩn bị như soạn thảo và công bố bản cáo bạch, xin phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và được chấp thuận chào bán, chọn ngày đăng ký cuối cùng, sau đó hủy ngày đăng ký cuối cùng đã chọn và được UBCK gia hạn thời gian phát hành, chọn lại ngày đăng ký cuối cùng rồi tiếp tục hủy một lần nữa và chấm dứt hẳn kế hoạch phát hành vào ngày 31/10/2019. Ông Trịnh Văn Quyết từng nói: “Giá cổ phiếu FLC thấp tôi cũng buồn lắm, có khi cả tháng tôi không xem bảng điện tử”.
Lý do dừng phát hành mà ban lãnh đạo FLC đưa ra là diễn biến thị trường chứng khoán không thuận lợi và “để phù hợp với tình hình thực tế và hoạt động của công ty”. Thực tế trong suốt ba năm 2018, 2019 và 2020, giá cổ phiếu FLC chưa khi nào lên tới mệnh giá.
Nhật Hạ
( Tổng Hợp)