Ngày 6/8, NHNN đã ban hành các quyết định số 1349,1350 và 1351 về việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các TCTD, tiền gửi của Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội và của Kho bạc Nhà nước tại NHNN. Quyết định này chỉ nhằm giảm chi phí cho nhà nước hay còn hàm ý nào khác?
Về bản chất, quyết định này chỉ ảnh hưởng đến các tổ chức tín dụng. Theo đó, thu nhập từ tiền gửi của các tổ chức tín dụng sẽ giảm xuống, đồng thời cũng tiết kiệm cho NHNN một khoản chi phí trả lãi.
Nhiều ý kiến cho rằng, động thái này của NHNN có nhiều hàm ý chứ không đơn thuần chỉ là giải pháp để giảm chi phí cho Nhà nước. Đầu tiên có lẽ là để các ngân hàng chia sẻ khó khăn với Nhà nước do lợi nhuận của các ngân hàng trước mắt không bị ảnh hưởng quá nhiều. Trong quí 2-2020, hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận mức tăng trưởng dương về kết quả kinh doanh, thậm chí lợi nhuận trước thuế của VietinBank còn tăng tới 106% so với cùng kỳ của năm 2019.
Nếu NHNN có hạ tiếp trần lãi suất huy động thì lãi suất cho vay cũng vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của từng ngân hàng thương mại. Ảnh: THÀNH HOA
Tuy nhiên, mục tiêu, chức năng và nhiệm vụ hàng đầu của NHNN không phải là hỗ trợ cân đối cho ngân sách, mà là ổn định thị trường tiền tệ của quốc gia. Vậy động thái trên của NHNN liệu còn có hàm ý nào khác nữa không?
Đầu năm, khi dịch Covid-19 bùng phát, NHNN đã đồng thời giảm cả trần lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp trở lại như hiện nay, nhiều chuyên gia đang kỳ vọng sẽ có thêm một đợt giảm các loại lãi suất điều hành chủ chốt trong thời gian tới để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nên không loại trừ khả năng sau động thái hạ các loại lãi suất tiền gửi tại NHNN, sắp tới nhà điều hành sẽ lại hạ tiếp trần lãi suất huy động.
Ngoài ra, cũng có thể đợt hạ lãi suất tiền gửi này sẽ giúp cho Bộ Tài chính có thêm một khoản tiền để bơm ra nền kinh tế qua các công cụ của chính sách tài khóa.
Dư địa hạ lãi suất là vẫn còn
Không loại trừ khả năng sau động thái hạ các loại lãi suất tiền gửi tại NHNN, sắp tới nhà điều hành sẽ lại hạ tiếp trần lãi suất huy động. Ngoài ra, cũng có thể đợt hạ lãi suất tiền gửi này sẽ giúp cho Bộ Tài chính có thêm một khoản tiền để bơm ra nền kinh tế qua các công cụ của chính sách tài khóa.
Số liệu mới nhất cho thấy tính đến ngày 28-7, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống mới chỉ đạt 3,45%(1) so với đầu năm 2020, thấp hơn nhiều so với con số 7,48% của cùng kỳ năm 2019. Tín dụng tăng trưởng thấp trong khi huy động tăng trưởng cao hơn (ở mức 5,31%) khiến cho các ngân hàng đang dư thừa thanh khoản ở mức rất cao. Theo đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng hiện đang duy trì ở mức rất thấp, chỉ còn khoảng 0,3%/năm đối với kỳ hạn một tuần.
Bên cạnh đó, theo thông tin từ một số ngân hàng thương mại, trong tuần qua NHNN đã mua được thêm gần 2 tỉ đô la Mỹ. Điều đó đồng nghĩa với việc có một khối lượng tương ứng tiền đồng (gần 40.000 tỉ đồng) được bơm vào hệ thống ngân hàng. Do đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng được dự báo sẽ còn tiếp tục duy trì ở mức thấp trong thời gian tới. Chính vì vậy mà kỳ vọng vào một đợt cắt giảm lãi suất huy động nữa của NHNN là hoàn toàn có cơ sở.
Tuy nhiên, lạm phát và tỷ giá sẽ là hai yếu tố mà NHNN buộc phải tính đến khi đưa ra bất kỳ một chính sách điều hành nào của mình.
Số liệu đến hết tháng 7-2020 cho thấy, thặng dư thương mại đã chạm mức 8,2 tỉ đô la, cao hơn rất nhiều so với con số gần 2 tỉ đô la của cùng kỳ trong năm 2019. Đây được xem là diễn biến nằm ngoài dự báo của tất cả mọi người. Điều đó cho thấy nhận định các doanh nghiệp nước ngoài chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam là có cơ sở. Nếu vậy thì không loại trừ khả năng cán cân thương mại sẽ tiếp tục thặng dư ở mức cao trong các tháng tới do cuối năm là mùa cao điểm về tiêu dùng tại các thị trường Mỹ và châu Âu.
Một yếu tố khác là đô la Mỹ đang mất giá kỷ lục so với hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới. Xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới do Mỹ vẫn đang thực hiện nới lỏng cả chính sách tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế. Vì vậy, tỷ giá sẽ không còn là yếu tố đáng quan ngại trong những tháng còn lại của năm 2020.
Lạm phát mặc dù vẫn còn đang rất khó lường, nhưng gần như chắc chắn sẽ giảm dần trong các tháng tới do nền lạm phát trong các tháng cuối năm 2019 đã ở mức cao. Hiện tại, lạm phát theo năm (YoY) tính tới hết tháng 7-2020 là 3,39% và bình quân là 4,07%. Tuy nhiên, cả năm 2020 mức lạm phát bình quân sẽ thấp hơn con số 4% mà Chính phủ đề ra. Do vậy, NHNN hoàn toàn có dư địa để cắt giảm thêm các mức lãi suất điều hành trong thời gian tới khi mà trần lãi suất huy động đang ở mức 4,25%/năm, cao hơn đáng kể so với lạm phát hiện hành.
Nhưng lãi suất cho vay chưa thay đổi nhiều
Việc NHNN hạ lãi suất các loại tiền gửi tại NHNN, trong đó có lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc với mức hạ đến 50%, đồng nghĩa với việc các ngân hàng thương mại mất đi một khoản thu nhập đáng kể từ nguồn lãi suất này, thì họ lại càng ít có động lực để giảm lãi suất cho vay hơn.
Hạ lãi suất huy động là để giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, trong thực tế, từ đầu năm đến nay dù NHNN đã có hai lần giảm trần lãi suất huy động đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng, từ mức 4,75% xuống còn 4,25%, nhưng lãi suất cho vay gần như chưa thay đổi. Kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng trong quí 2 vừa qua tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, như VietinBank (106%), VPBank (43%), VIB (27%) và Techcombank (19%)…, có một phần nguyên nhân do lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng.
Do đó, nếu NHNN có hạ tiếp trần lãi suất huy động thì lãi suất cho vay cũng vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của từng ngân hàng thương mại. Thực tế cho thấy, các ngân hàng thường sẽ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay thấp hơn so với mức giảm của lãi suất huy động và thời gian điều chỉnh cũng sẽ chậm hơn.
Hơn nữa, việc NHNN hạ lãi suất các loại tiền gửi tại NHNN, trong đó có lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc với mức hạ đến 50%, đồng nghĩa với việc các ngân hàng thương mại mất đi một khoản thu nhập đáng kể từ nguồn lãi suất này, thì họ lại càng ít có động lực để giảm lãi suất cho vay hơn.
Từ thực tế đó, để hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, Chính phủ cần sử dụng nhiều hơn công cụ của chính sách tài khóa (Fiscal policy). Mặc dù đã có hàng loạt chính sách tài khóa được triển khai nhưng hiệu quả chưa như kỳ vọng, do các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc xác định thiệt hại từ dịch Covid-19 gây ra. Các doanh nghiệp đang mong chờ các chính sách hiệu quả và được triển khai nhanh hơn, thực chất hơn. Đó có thể là gói hỗ trợ lãi suất cho vay như đã từng được triển khai trong quá khứ. Đây được xem là giải pháp cấp bách bởi với việc dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại thì nhiều doanh nghiệp sẽ không thể trụ vững trong thời gian tới.
Theo Thesaigontimes