Ghi nhận trên thị trường có thể thấy, nhiều doanh nghiệp BĐS lớn tại khu vực phía Nam đang có ý định đổ bộ ra Hà Nội như Phú Long với dự án Splendora Bắc An Khánh giai đoạn 2 lên đến gần 200ha. Him Lam cũng đang cấp tốc triển khai dự án Him Lam Vạn Phúc (Hà Đông). Mới đây nhất , Phú Mỹ Hưng cũng vay khoảng 75 triệu USD cho kế hoạch Bắc tiến dự án phía Tây Hà Nội.
“Bên cạnh đó, hai năm qua giá nhà đất tại TPHCM ghi nhận mức tăng cao kỷ lục, trong khi đó ngay tại Hà Nội – thủ đô giá bất động sản tại nhiều khu vực chỉ ghi nhận mức tăng rất nhẹ hoặc đi ngang trong khi hạ tầng nhiều khu vực đã rất phát triển. Đây là lý do, hiện nay đang có dòng tiền nhà đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển từ khu vực phía Nam ra phía Bắc. Không chỉ có những nhà đầu tư riêng lẻ, thị trường cũng đang chứng kiến những ông lớn BĐS trong Sài Gòn Bắc tiến”, Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn.
Theo VARS, đây được xem là dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản đã có sự phục hồi đáng kể, tỷ lệ hấp thụ từ các sản phẩm mới tăng so với quý I/2020 và quý II/2020.
Đối với riêng từng thị trường cũng có sự phân hóa khá rõ rệt, khi tổng lượng sản phẩm được bán trên toàn thị trường Hà Nội quý III/2020 đạt 13.300 sản phẩm (chủ yếu là căn hộ chung cư), giao dịch 2.966/13.300 sản phẩm, tương ứng tỉ lệ hấp thụ đạt 22,3%.
Đối với TP.HCM, ghi nhận của VARS cho biết, tổng lượng sản phẩm được bán trên toàn thị trường trong quý III/2020 đạt 12.530 sản phẩm (chủ yếu là căn hộ chung cư), giao dịch 9.408/12.530 sản phẩm, với tỉ lệ hấp thụ tương đương 75,1%. Tương tự như Hà Nội, quý III/2020, thị trường TP.HCM đã có dấu hiệu hồi phục khá mạnh.
Mới đây, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội đã kiến nghị cơ quan chức năng xem xét quy hoạch sân bay quốc tế thứ hai của Vùng thủ đô tại huyện Ứng Hòa (phía Nam thành phố) vào quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, vị trí đặt sân bay thứ 2 tại Ứng Hòa đang nhận về nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều, bởi vì đây là vùng nông nghiệp trù phú, đất đai màu mỡ.
Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho rằng, đại dịch mang đến cơ hội để các nhà đầu tư và doanh nghiệp nhìn nhận thực tế hơn về đầu tư bất động sản và hiện tượng tăng giá của thị trường trong các điều kiện bất khả kháng.
“Trong xu hướng thị hiếu của người tiêu dùng và các yêu cầu của nhà đầu tư thay đổi, chủ đầu tư cần tính toán tạo ra các sản phẩm gần với giá trị mở bán, thay vì chỉ dựa vào các yếu tố bên ngoài như các công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội lớn, để bán với giá cao”, bà Hằng nêu quan điểm.
Trong khi tại TP. HCM, các quận phía Đông (quận 2, quận 9), phía Nam và phía Tây (huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh) dự báo sẽ vẫn là các khu vực phát triển bất động sản trọng điểm trong 5 năm tới. Các khu vực này đón nhận sự quan tâm lớn từ phía người mua nhà trong các năm qua và dự kiến trong sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của thị trường trong thời gian sắp tới.
Tại Thủ đô, thị trường dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng theo nhiều hướng khác nhau trong thời gian sắp tới, với trọng điểm phát triển là khu vực phía Tây và phía Đông.
Với khu vực phía Tây, cơ sở hạ tầng và các tiện ích trong khu vực này đã phát triển và dần được hoàn thiện. Bên cạnh đó, đây cũng là khu vực tập trung các cơ quan nhà nước, khu vực văn phòng và thương mại chính. Yếu tố này thu hút người mua nhà cũng như các chủ đầu tư phát triển dự án tại khu vực này.
Còn với khu vực phía Đông, trong vòng 3 – 5 năm trở lại đây đã thu hút sự chú ý của thị trường khi có các dự án khu đô thị lớn ra mắt sản phẩm mới. Ngoài ra, kết nối của khu phía Đông với các quận trung tâm Hà Nội và các tỉnh thành khác cũng ngày càng được cải thiện với sự phát triển của các tuyến đường cao tốc, cũng như các dự án xây dựng cầu và metro trong tương lai.
Trong vòng 3 năm gần đây, các dự án khu đô thị quy mô lớn của cả các chủ đầu tư trong và ngoài nước như Novaland, Nam Long, CFLD… ở các khu vực này đang thu hút sự quan tâm của thị trường.
Khu vực phía Bắc ghi nhận sự phát triển của thị trường bất động sản tại các tỉnh, thành phố trọng điểm về công nghiệp như Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên. Với cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, thời gian di chuyển giữa các tỉnh, thành phố ở phía Bắc cũng được rút ngắn đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bất động sản ở các địa phương này.