Thực trạng này đang đặt ra lo ngại bong bóng “nổ” và nhà đầu tư nhỏ lẻ, tay ngang sẽ… thi nhau “chết”.
Trước thông tin dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đang bước vào giai đoạn nước rút, ráo riết hoàn thiện các hạng mục cần thiết để có thể chính thức khởi công vào tháng 10/2020, nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng tìm đến khu vực xung quanh sân bay đón đầu cơ hội.
Từ thời điểm cuối năm 2019 đến nay, bất chất tình hình dịch bệnh COVID-19 nhưng giá BĐS tại đây vẫn tăng. So với thời điểm trước Tết Nguyên đán 2020, giá bán trên thị trường thứ cấp của các dự án đất nền đã tăng ít nhất 15%, có một số dự án tăng đến 20% mặc dù giao dịch không mấy nhộn nhịp.
Đầu năm 2015, theo phản ánh, đất đai xung quanh dự án Sân bay Long Thành có giá chỉ khoảng 300 nghìn đồng/m2, tương đương chỉ khoảng 300 triệu đồng/sào.
Thế nhưng, ngay sau khi Quốc hội thông qua việc đầu tư xây dựng sân bay, giá đất tại khu vực này đã tăng 10 lần lên 3 triệu đồng/m2, tương đương hàng tỉ đồng/sào. Theo khảo sát của người viết trên các trang rao bán bất động sản, hầu hết các lô đất ở khu vực Long Thành hiện đều có mức giá trên 10 triệu đồng/m2. Một lô đất 100 m2 có giá dao động 1,2 – 1,7 tỉ đồng
Trong quý 2/2020, mặc dù lượng giao dịch ít nhưng giá đất tại khu vực Long Thành vẫn tiếp tục tăng lên theo thông tin sân bay Long Thành sắp khởi công. Giá đất ở một số khu vực chạm mốc 30 – 40 triệu đồng/m2, ngang ngửa với khu vực ven TP HCM.
Những khu vực như Bảo Lộc (Lâm Đồng) hay tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Long An, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu,… gần đây cũng có rất nhiều dự án hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, nhà ở, khu nghỉ dưỡng được duyệt qui hoạch, chủ trương đầu tư khiến đất đai xung quanh tăng giá.
Trong khi Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội mới chỉ có kiến nghị thành phố xem xét giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các sở ngành liên quan và Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) xây dựng dự thảo văn bản của thành phố đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét phương án bố trí sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô Hà Nội và cân nhắc việc lựa chọn vị trí tại khu vực phía Nam Hà Nội thì nhiều “nhà đầu tư tài ba” đã bàn tính chuẩn bị cho những cuộc đua gom đất nhằm đón đầu sân bay.
Không những vậy, quy hoạch sân bay thường kéo dài vài chục năm, trong quá trình đó, thị trường sẽ phát triển dần dần. Một dự án sân bay mới không thể phát triển trong nay mai, thị trường bất động sản cũng cần có một thời gian để phát triển hạ tầng, các dự án có quy mô lớn được triển khai…Khi hiện thực hóa được dự án sẽ có tác động rất lớn đến thị trường bất động sản khu vực. Tuy nhiên, các đề xuất này vẫn chỉ mới trong quy hoạch và đang lựa chọn vị trí. Thời điểm này nếu đầu tư cũng chỉ có “lướt sóng” mà thôi .
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam dẫn chứng cách đây một số năm, TP HCM đề xuất sân bay Long Thành và cũng có hiện tượng giá đất ở khu vực Long Thành sốt ảo. Tình trạng tương tự hoàn toàn có thể tái hiện ở nơi được chọn làm sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô nếu không được kiểm soát tốt.
Theo ông Đính, đề xuất này có được đồng ý hay không còn phụ thuộc vào Quốc hội và để thông qua vấn đề này còn rất lâu, có thể mất tới hàng chục năm mới trở thành hiện thực. Nhà đầu tư không nên “cầm đèn chạy trước ô tô” bởi rủi ro quá lớn đối với một đề xuất chưa được nằm trên giấy.
Mới đây, giới đầu tư được phen lao đao khi một Tập đoàn bất động sản lớn nhất nhì Việt Nam đột ngột buông một dự án đô thị quy mô 3.490ha tại xã Bình Đức và xã Thạnh Hoà, huyện Bến Lức.
Trong thời gian hơn 2 tháng trở lại đây, tại khắp các con đường, các quán càphê ở các khu vực trung tâm quận Thủ Đức, quận 9 luôn bàn tán xôm tụ về câu chuyện săn lùng nhà đất đón đầu việc thành lập Thành phố Thủ Đức.
Các nhà đầu tư, dân môi giới đang đi khắp “hang cùng ngõ hẻm” để săn hàng. Một trong những điểm nóng đó chính là phường Trường Thọ của quận Thủ Đức, sau khi có thông tin về khả năng chính quyền TPHCM sẽ chọn phường Trường Thọ làm khu đô thị trung tâm của Thành phố Thủ Đức trong tương lai. Trong đó, để hướng tới đô thị sáng tạo trong tương lai, mới đây khu vực Trường Thọ đã được TPHCM đề xuất quy hoạch lại 3 ô đất A1, A2 và A5 với diện tích khoảng 8ha. Đây là khu đất thuộc Nhà máy Thép Thủ Đức. Và điều này cũng khiến giá đất tại khu vực này nhảy múa sôi động.
Dù biết sẽ có nhiều rủi ro, nhưng với tâm lý “liều ăn nhiều” khiến cho làn sóng này luôn cao trào và cuốn nhiều người tham gia. Tuy nhiên, người chiến thắng trong cơn sóng này chỉ chiếm một lượng rất nhỏ so với con số khổng lồ những người bị “sa lầy”, cùng với đó là nhiều hệ luỵ khó lường cho chính quyền và người dân địa phương khu vực đó.