Không chỉ nóng ở thời điểm hiện tại, thực tế mặt bằng lãi suất huy động đã tăng khoảng 30 – 50 điểm cơ bản so với cuối năm 2021 (tính đến cuối tháng 4) ở hầu hết các ngân hàng thương mại tư nhân nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng mạnh.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tiền gửi của người dân trong tháng 3/2022 tăng hơn 14.000 tỷ đồng. Mức tăng này ở các tháng 1 và tháng 2 lần lượt là 103.000 tỷ đồng và 56.000 tỷ đồng.
Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2022, người dân đã gửi ròng gần 174.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng và đưa tổng số tiền gửi của cư dân lên mức 5,47 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 3,28% so với cuối năm 2021.
Đáng chú ý, không chỉ tiền gửi cư dân, mà tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng tăng nhanh. Riêng trong tháng 3/2022 tăng tới 228.300 tỷ đồng. Tính đến cuối quý I/2022, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 5,86 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm.
Không chỉ tăng lãi suất, nhóm ngân hàng tư nhân còn có nhiều “thủ thuật” hấp dẫn người gửi tiền khi lãi suất tăng “nóng” trên thị trường.
Chẳng hạn, tại Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) nhà băng này triển khai chương trình tặng lãi suất cho các khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm tại quầy và trên kênh ngân hàng điện tử. Đáng chú ý, khi tham gia chương trình, khách hàng sẽ được cộng thêm lãi suất ưu đãi lên đến 1,1% cho các món tiền gửi.
Bước sang nửa đầu tháng 5, cũng đã có có hơn 10 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Trong đó, nhiều nhà băng đưa ra biên độ điều chỉnh trên 0,3%/năm như NCB, GPBank, Sacombank, VietABank…Đối với khối ngân hàng thương mại nhà nước, sau khi cố định kể từ giữa năm 2021 từ 1/6 BIDV cũng bất ngờ điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên) thêm 0,1 điểm % lên 5,6%/năm.
Dù điều chỉnh tăng, lãi suất của BIDV vẫn đang thuộc nhóm thấp nhất trên thị trường, cùng với Vietcombank, VietinBank có lãi suất cao nhất chỉ 5,6%/năm. Agribank còn có lãi suất thấp hơn là chỉ 5,5%/năm.
Hiện lãi suất tiết kiệm cao nhất được niêm yết tại ABBank ở mức 8,3% kỳ hạn 13 tháng. Đây cũng là lãi suất tham chiếu cho các khoản vay tại nhà băng này. Chỉ tính riêng nửa cuối tháng 5, biểu lãi suất tiết kiệm của khoảng 10 ngân hàng tư nhân đã được cộng thêm, phổ biến từ 0,3 điểm % – 0,4 điểm % như BaoVietBank, NCB, OceanBank, ACB…
Một số ngân hàng thương mại cổ phần khác gồm: BacABank, GPBank… nhích nhẹ thêm 0,1-0,2% một năm đối với các khoản lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn. Cá biệt, có ngân hàng tăng lãi suất lên tới 0,8 điểm % là VIB. Theo đó, nhà băng này cộng thêm 0,8 điểm % cho các khoản tiền kỳ hạn 9 tháng. Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng thông báo điều chỉnh biểu tăng khoảng 0,3 – 0,7 điểm % ở nhiều kỳ hạn.
Tổng Hợp