Với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp trở lại, cầu tín dụng có thể bị ảnh hưởng và Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ kiên định mục tiêu giữ lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như hỗ trợ nền kinh tế.
Với việc đồng USD bị yếu đi cùng thông tin cán cân thương mại tháng 4/2021 dự kiến thâm hụt khoảng 900 triệu USD, tỷ giá USD/VND hôm qua đã giảm nhẹ 4 VND, rơi về mức 23.060 VND/USD. Trái lại, tỷ giá trên thị trường tự do tăng trở lại 30 VND ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.440 – 23.490 VND/USD. Tại thị trường trái phiếu chính phủ, tuần trước Kho bạc Nhà nước gọi thầu 10 nghìn tỷ đồng trái phiếu ở 4 kỳ hạn 7, 10, 15 và 20 năm. Lãi suất trúng thầu giữ nguyên ở kỳ hạn 7 năm và nhích tăng 1-2 điểm cơ bản ở các kỳ hạn còn lại. Có 7,54 nghìn tỷ đồng trái phiếu phát hành, tương đương tỷ lệ trúng thầu 75%- giảm so với phiên tuần trước (82%).
Lượng phát hành tháng 4 mới chỉ hoàn thành 26% kế hoạch phát hành quý 2 nên lượng gọi thầu của Kho bạc Nhà nước trong tháng 5 và tháng 6 được kỳ vọng khá cao. Tuy nhiên, đây cũng là 2 tháng trái phiếu chính phủ đáo hạn nhiều nhất trong năm 2021 nên nhu cầu tái đầu tư cũng lớn. Bởi vậy, lãi suất trái phiếu chính phủ nhiều khả năng sẽ chỉ dao động trong biên độ hẹp. Trên thị trường thứ cấp, lợi tức gần như đi ngang. Hiện giao dịch 1 năm 0,27%; 3 năm 0,68%; 5 năm 1,16%; 10 năm 2,37%; 15 năm 2,61%; 20 năm 2,98%; 30 năm 3,09%. Giá trị giao dịch bình quân phiên là 9,7 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 6,4 nghìn tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có công văn gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) yêu cầu kiểm soát chặt tín dụng liên quan đến các khoản vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BOT, trái phiếu doanh nghiệp,… để bảo đảm an toàn hoạt động và hạn chế rủi ro. NHNN yêu cầu các TCTD nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thống đốc tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được giao thực hiện.
Trước đó, qua theo dõi, giám sát hoạt động năm 2020, NHNN nhận thấy một số TCTD có dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro như nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng; tỷ lệ nợ xấu của một số công ty tài chính tiêu dùng ở mức cao và tăng lớn; lãi phải thu từ hoạt động tín dụng tăng lớn so với cuối năm 2019. Ngoài ra, cũng trong năm 2020, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản cao. Nợ xấu cấp tín dụng đối với khách hàng lớn (doanh nghiệp có tổng mức cấp tín dụng từ 500 tỷ đồng trở lên) tăng so với cuối năm 2019,… Thực tế cũng cho thấy, lãi suất liên ngân hàng VND giảm 6 điểm cơ bản ở kỳ hạn qua đêm, giảm 1 điểm cơ bản ở kỳ hạn 1 tháng và giữ nguyên ở các kỳ hạn khác. Giao dịch tại qua đêm 1,18%; 1 tuần 1,26%; 2 tuần 0,22% và 1 tháng 0,30%. Tăng trưởng huy động đang thấp hơn tăng trưởng tín dụng khiến chênh lệch huy động – tín dụng dần được thu hẹp, thanh khoản các ngân hàng thương mại cũng kém dồi dào hơn giai đoạn trước.
Trong 4 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động thấp hơn tăng trưởng tín dụng khiến chênh lệch huy động – tín dụng thu hẹp, thanh khoản các ngân hàng thương mại cũng kém dồi dào hơn giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, các chuyên gia SSI Research cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp trở lại như hiện nay, cầu tín dụng có thể bị ảnh hưởng và Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ kiên định mục tiêu giữ lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
“Mặt bằng lãi suất vẫn sẽ giữ ổn định ở mức thấp trong quý II/2021 do thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn khá dồi dào” – chuyên gia SSI Research dự báo.
Nhật Hạ