Khan hiếm chung cư dưới 2 tỷ đồng là thực trạng đang diễn ra trên thị trường nhà ở tại Tp.HCM. Một số báo cáo thị trường BĐS gần đây đã chỉ ra chỉ có khoảng gần 10% trong rổ hàng được bán ra thị trường là căn hộ có mức giá dưới 2 tỷ đồng, mặc dù nhu cầu phân khúc nhà ở này rất cao tại Tp.HCM.
TP. Hồ Chí Minh bắt đầu giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh từ đầu tháng 6/2021. Giãn cách xã hội kéo dài gần 3 tháng đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bất động sản nói chung. Tuy nhiên, ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, nằm ngoài sự ảnh hưởng, căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh vẫn hấp thụ tốt do nhu cầu nhà ở thực cao và nguồn cung bị tắc nghẽn những năm qua khiến giá nhà không hề giảm.
Nếu như cách đây khoảng 5 năm, ở khu vực vùng ven trung tâm Tp.HCM tại khu Đông và Khu Nam, nhất là khu phía Tây vẫn xuất hiện loại hình nhà ở dao động từ 1,2 – 1,5 tỷ đồng mỗi căn. Tuy nhiên, đến năm 2021 thì gần như loại hình nhà ở này đã dần biến mất do giá BĐS tại TP.HCM trong những năm gần đây tăng phi mã. Kể cả giá căn hộ và giá nhà đất thấp tầng cũng đã tăng một cách chóng mặt, lập mặt bằng giá BĐS mới ở đô thị đông dân nhất cả nước.
Trong khi thị trường căn hộ TP Hồ Chí Minh khan hiếm loại nhà 2 tỷ đồng, nhà phố riêng lẻ ở các khu dân cư hiện hữu (không nằm trong dự án) cũng thu hẹp thị phần các giao dịch ở vùng giá 3 tỷ đồng một căn.
Báo cáo thị trường nhà ở TP Hồ Chí Minh trong trung và dài hạn của Savills Việt Nam cho biết, làn sóng Covid-19 lần thứ tư đã và đang khiến nguồn cung căn hộ chào bán bị thu hẹp, giá vẫn neo cao. Thị trường bị phủ sóng bởi nhà trung – cao cấp và bất động sản hàng hiệu, dẫn tới nhiều sức ép cho thị trường ở phân khúc nhà giá thấp.
Số liệu khảo sát của Savills, cho thấy phân khúc căn hộ hạng C (có mức giá dưới 2 tỷ đồng) thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân, song rổ hàng phân khúc này chỉ chiếm dưới 10% tổng nguồn cung sơ cấp toàn TP Hồ Chí Minh. Trong khi, căn hộ trung cấp (hạng B) và cao cấp (hạng A) lại chiếm sóng thị trường trong suốt nhiều quý vừa qua. Cũng theo Savills, nhiều khả năng nguồn cung mới của loại căn hộ 2 tỷ này sẽ tiếp tục khan hiếm, có nguy cơ “biến mất” khỏi thị trường. Thay vào đó, nhà ở giá thấp, giá rẻ đang có xu hướng dạt ra xa hơn các khu trung tâm thành phố, thậm chí là chuyển hẳn ra các tỉnh vùng vệ tinh TP.HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai… Trong vài năm tới, căn hộ bình dân có thể chỉ còn xuất hiện phổ biến tại khu vực dạt biên của TP Thủ Đức và huyện Nhà Bè.
Hiện tại, nguồn cung gần như thấp nhất trong lịch sử phát triển nhà ở tại TP.HCM khi 6 tháng đầu năm chỉ ghi nhân khoảng 6.000 căn được chào bán ra thị trường khu vực này. Tại Hà Nội, số lượng có nhỉnh hơn một chút so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nếu so với 5 năm gần đây nhất thì số lượng căn bán ra rất thấp, gần 8.000 căn.
Cuối quý 1, đầu quý 2-2021, dịch bệnh bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường, khiến các chủ đầu tư phải cắt giảm nguồn cung. Tại Hà Nội, khi xuất hiện nguồn lây nhiễm mới vào tháng 5, ngay lập tực thị trường bất động sản đã phản ánh mối lo của người dân khi nguồn cung sụt giảm. Người mua không còn nhiều lựa chọn trong tiêu thụ, nguồn cầu giảm theo so với năm trước. Tuy vậy, so với năm ngoái, việc tiêu thụ của năm nay vẫn ở mức tăng. Phân khúc căn hộ bình dân tại TP.HCM trong 2 năm qua không xuất hiện, thay vào đó là căn hộ hạng sang, siêu sang.
Việc giá đất tăng tại nhiều địa phương đặc biệt là tại các vị trí trong điểm phát triển dự án, chi phí vật liệu, lưu thông hàng hoá tăng, chi phí nhân công cũng tăng… khiến giá thành sản phẩm bị đưa lên cao. Tại TP.HCM, giá bán trên thị trường sơ cấp tăng 16% so với năm 2020; tại Hà Nội mức tăng giá khoảng 9%. Do vậy, các nhà đầu tư mục đích mua đi bán lại kiếm lời có thể kiếm lợi nhuận tốt, tất nhiên vẫn thấp hơn kỳ vọng ban đầu.
Cương Nguyễn
(Tổng hợp)