Nhiều năm nay, hàng chục hộ dân liên quan dự án tại xã Phước Đồng liên tục kéo đến cổng dự án khu du lịch giải trí Sông Lô (dự án Sông Lô, nay là tổ hợp du lịch Diamond Bay) thuộc Công ty TNHH Hoàn Cầu yêu cầu được trả lại đất không thuộc dự án. Người dân cho rằng chính quyền đã sai và cụ thể là Chủ tịch tỉnh nên đã đâm đơn khiếu kiện.
Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 252/QĐ-TTg về việc thu hồi 180,2 ha tại thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng, Nha Trang để thực hiện dự án Khu Du lịch và Giải trí Sông Lô. Quyết định này ban hành dựa trên 7 bản đồ trích đo từ số 24 đến 30 do Sở Địa chính Khánh Hòa xác lập năm 2001. Sau khi được giao đất từ năm 2003, nhiều diện tích đất đã bị chủ đầu tư bỏ hoang. Sau đó, UBND TP Nha Trang đã có quyết định cưỡng chế, thu hồi đất của người dân tại sông Lô giao cho Công ty TNHH Thương mại, đầu tư Hoàn Cầu làm dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô. Từ đây đã xảy ra những lùm xùm về khiếu kiện, khiếu nại của người dân trong 20 năm qua.
Theo phản ánh của người dân, dù không có trong quy định của Luật Đất đai, nhưng tháng 7/2015, UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn ra quyết định cho phép Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang được chuyển hơn 254.700 m2 đất sản xuất kinh doanh tại dự án sang “đất ở không hình thành đơn vị ở”. Người dân cũng cho rằng, UBND tỉnh Khánh Hòa có sai phạm khi không ban hành các quyết định thu hồi đất của các hộ dân. Quá trình thu hồi đất của rất nhiều hộ không đảm bảo căn cứ, cơ sở pháp lý, trong đó không công khai bản đồ quy hoạch dự án.
Người khởi kiện là ông Nguyễn Văn Bình (trú tại đường Lý Thánh Tôn, phường Lộc Thọ, Nha Trang, Khánh Hòa), và người bị kiện là ông Nguyễn Tấn Tuân – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Mới đây, ông Bình nhận được văn bản số 5898/UBND-NC do ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ký banh hành về việc từ chối cung cấp thông tin nói trên. Văn bản trả lời của ông Tuân nêu rõ, theo quy định tại khoản 5, Điều 3, Luật Tiếp cận thông tin quy định “việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc người khác. Việc ông Nguyễn Văn Bình đề nghị UBND tỉnh cung cấp giấy chứng nhận đầu tư sân golf của Công ty Hoàn Cầu xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Hoàn Cầu, do đó UBND tỉnh từ chối cũng cấp văn bản nêu trên.”
Ông Nguyễn Văn Bình cho biết: “Tôi là người dân bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất giao cho Công ty TNHH Hoàn Cầu (nay là Công ty Cổ phần Hoàn Cầu) suốt mấy chục năm qua khiếu nại kêu cứu… bị thu hồi đất trái pháp luật nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. “Thông tin chính xác cung cấp cho cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết vụ việc khiếu nại có liên quan đến vụ việc thu hồi đất, sử dụng đất có ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, căn cứ Luật Tiếp cận thông tin, tôi đã có đơn yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa cung cấp thông tin. Trong đó, có giấy chứng nhận đầu tư sân golf do UBND tỉnh Khánh Hòa ký cấp cho Công ty Hoàn Cầu”.
Ông Bình nhận thấy lý do từ chối cung cấp thông tin nêu trong văn bản “xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Hoàn Cầu” là không có căn cứ và ảnh hưởng đến quyền yêu cầu chính đáng của ông, theo Luật Tiếp cận thông tin. Căn cứ Điều 8 và Điều 14 Luật Tiếp cận thông tin, ông Bình đã thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với công văn từ chối cung cấp thông tin do Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ký ban hành. Trong đơn khởi kiện, ông Bình đề nghị Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tuyên hủy Văn bản 5898/UBND-NC ngày 16/6/2020, yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa giải quyết việc cung cấp thông tin cho dân theo đúng quy định của pháp luật.
Chính phủ đã vào cuộc
Liên quan đến dự án này, trong văn bản gửi TTCP, ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết: TTCP đã chỉ ra sai phạm của UBND tỉnh Khánh Hòa tại dự án này nhưng không nêu rõ biện pháp xử lý trách nhiệm, không kiến nghị chế tài áp dụng dẫn đến việc cho đến nay đã 19 năm, người dân vẫn chưa nhận được quyết định thu hồi đất của gia đình, vẫn khiếu kiện đông người… Đề nghị Tổng TTCP nhanh chóng có hướng chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hòa đối với sai phạm trên và có hướng xử lý đúng theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng “đánh bùn sang ao”.
Ban Dân nguyện đề nghị Tổng TTCP làm rõ 12 kiến nghị liên quan đến dấu hiệu sai phạm, quyền lợi của người dân tại dự án Diamond Bay. Trong đó, đề nghị trả lại hơn 80.000 m2 của người dân mà Công ty Hoàn Cầu đang để hoang hóa, theo đúng tinh thần tại Kết luận thanh tra 1742/TTCP-V4 của TTCP ngày 23.9.2005. Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô được xem là dự án “khủng” nhất tại TP.Nha Trang với diện tích dự án lên đến 180 ha, được khởi công từ năm 2003. Từ khi dự án khởi công đến nay đã gặp nhiều khiếu kiện kéo dài của người dân nơi đây. Dù TTCP đã có nhiều kết luận thanh tra liên quan đến dự án, nhưng đến nay người dân vẫn không đồng ý và tiếp tục khiếu nại.
Không chỉ có Diamond Bay, nhà đầu tư thuộc tập đoàn Hoàn Cầu của bà Trần Thị Hường, ông Nguyễn Chấn đã khá quen thuộc với vai trò lĩnh xướng các dự án tại tỉnh Khánh Hòa, thành phố Nha Trang từ những năm 90 thế kỷ trước. Hệ sinh thái của Hoàn Cầu hiện có gần 40 doanh nghiệp, tại Khánh Hòa, hệ sinh thái này nắm giữ khoảng 10 dự án tầm cỡ. Trong đó, 7 dự án được UBND tỉnh Khánh Hoà giao cho từ những năm 2001 – 2004. Nhưng cũng như tại Diamond Bay, nhiều dự án khác cũng gặp phản ứng gay gắt từ người dân nhiều năm. Theo đề nghị của người dân, UBND tỉnh Khánh Hòa cần rà soát, có biện pháp dứt khoát, công bố các dự án của Công ty Hoàn Cầu trên địa bàn có tiếp tục triển khai nữa hay không? Không thể để tình trạng này kéo dài hơn 10 năm.
Đề cập đến vấn đề này UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Công ty Hoàn Cầu Nha Trang được UBND tỉnh thỏa thuận và giao làm chủ đầu tư 2 dự án: Dự án xây dựng kỹ thuật hạ tầng khu dân cư Ninh Thủy (82,47ha) vào năm 2002, và dự án xây dựng khu dân cư Ninh Long (432,5ha) năm 2003. Sau một thời gian dài, nhà đầu tư không thực hiện. Năm 2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý vi phạm chậm tiến độ, yêu cầu công ty ký quỹ thực hiện dự án và có văn bản cam kết tiến độ thực hiện. Trong đó, dự án Ninh Thủy đã thực hiện ký quỹ vào tháng 5/2019, đã hoàn thành lập Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500. Sở Xây dựng đang thẩm định, chủ đầu tư đang thực hiện giải phóng mặt bằng (đạt khoảng 77%). UBND tỉnh đã cho phép chủ đầu tư hoàn thành đưa dự án vào hoạt động vào tháng 5/2020. Tương tự, dự án Ninh Long đã thực hiện ký quỹ vào tháng 5/2019, đã hoàn thành lập đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 (giai đoạn 1 là 62,3ha). Đồng thời, tỉnh đã cho phép chủ đầu tư hoàn thành dự án giai đoạn 1 vào tháng 12/2020. Còn giai đoạn 2 (khu vực 334ha) chỉ xem xét khi nhà đầu tư thực hiện xong giai đoạn 1 đúng tiến độ.
Riêng dự án xây dựng kỹ thuật hạ tầng khu dân cư Ninh Thủy 82,47ha, theo ý kiến của người dân, dự án đã thực hiện thu hồi đất từ năm 2003 với giá thấp, trong khi đó các hộ nhận tiền bồi thường sau được nhận giá cao hơn các hộ nhận tiền bồi thường trước. Người dân đề nghị UBND tỉnh cần làm việc với chủ đầu tư và tổ chức đối thoại với dân, nếu chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện phải trả đất lại cho người dân canh tác. Tìm hiểu cho thấy, năm 2002 tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng nằm trong quy hoạch xây dựng kỹ thuật hạ tầng khu dân cư Ninh Thủy với diện tích 82.471ha. Đến tháng 01/2015, điều chỉnh giảm diện tích đất dự án từ 82,471ha xuống còn 77,1ha.
Từ năm 2003 – 2006, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 6 đợt, tổng số trường hợp phê duyệt là 182; diện tích thu hồi là 77,808ha, số tiền phê duyệt chỉ là 5,371 tỷ đồng. Hiện đã có 133/182 trường hợp nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng, đã thu hồi 60,291ha/77,808ha. Các trường hợp đã nhận tiền được UBND tỉnh phê duyệt theo Luật Đất đai năm 2003. Hiện tại chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện chi trả tiền cho các hộ còn lại.
Nhật Hạ