Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề xuất cần có gói cứu trợ kinh tế thứ hai khi dịch Covid-19 vẫn còn lan rộng trên thế giới, có thể ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội.
Trong báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm, Chính phủ nhận định diễn biến dịch Covid-19 còn rất phức tạp, khó lường và Việt Nam chưa thể mở cửa trở lại với các quốc gia.
Do đó, tình hình 6 tháng cuối năm dự báo sẽ rất thách thức, sức ép về kiểm soát lạm phát là rất lớn, thị trường đầu ra cho sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày… gặp nhiều khó khăn. Để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế, Chính phủ cho rằng cần phải có những hành động nhanh, mạnh mẽ hơn.
Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Chính phủ nên có thêm gói kích thích kinh tế, để dưỡng sức doanh nghiệp, tránh gãy đổ nền kinh tế, gây ra những bất ổn xã hội.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhận định tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát, trong khi đó doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Do đó, ông đề xuất cần phải có gói hỗ trợ kinh tế tiếp theo.
Ông Ngân cho rằng gói hỗ trợ lần thứ hai sẽ tiếp bước gói thứ nhất đã được Chính phủ triển khai, theo hướng khắc phục những tồn tại mà gói trước đó chưa triển khai xong, ngoài ra có thể tăng liều lượng.
Điển hình như với chính sách tài khóa có thể kéo dài thêm thời gian giãn nợ thuế, tiền thuê đất… Với chính sách tiền tệ thì tiếp tục kéo dài thời gian giãn nợ, hạ lãi suất. Với gói tín dụng dành cho các doanh nghiệp vay để trả lương công nhân của Ngân hàng Chính sách xã hội có thể điều chỉnh các điều kiện để triển khai được.
Vị đại biểu Quốc hội cũng cho rằng cần tăng liều lượng hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong giai đoạn tới, đặc biệt là doanh nghiệp có thương hiệu quốc gia, những doanh nghiệp đã đáp ứng tiêu chuẩn xuất hàng đi Mỹ, châu Âu.. nhưng giai đoạn này không xuất được. Việc hỗ trợ lúc này sẽ giúp giữ gìn bảo vệ các thương hiệu quốc gia.
Trong gói hỗ trợ thứ hai cũng cần tính đến các quỹ bảo lãnh tín dụng. Ông Ngân cho rằng cần phải có nguồn tiền để chuyển cho các quỹ, để tăng cường bảo lãnh các doanh nghiệp, để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Song song với đó, với chính sách tiền tệ, cần tiếp tục điều chỉnh theo hướng kéo giảm lãi suất.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ảnh: Hoàng Hà.
Giải ngân đầu tư công cũng là vấn đề mà Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề cập. Ông đánh giá cao Chính phủ đang làm rất quyết liệt vấn đề này nhưng khuyến cáo nên tìm được những nguyên nhân gây chậm trễ để khắc phục, tạo đà cho giải ngân các giai đoạn sau tốt hơn.
Ông Ngân cũng mong muốn các công trình dở dang phải được hoàn thiện nhanh để tránh kéo dài, lãng phí. Đồng quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhắc đến hai từ “rõ ràng” và “cần thiết” để nói về gói hỗ trợ kinh tế thứ hai.
Ông cho rằng một mặt Chính phủ cần thực hiện tốt gói hỗ trợ thứ nhất, một mặt cần mở rộng phạm vi đối tượng, hỗ trợ các lĩnh vực cốt lõi, doanh nghiệp trọng điểm trong gói hỗ trợ thứ hai. “Đẩy mạnh đầu tư công cũng là một điểm kích hoạt rất tốt. Cái này Thủ tướng và Chính phủ đã rất quan tâm và quyết liệt”, ông Lộc nói.
Chỉ ra điểm nghẽn của gói hỗ trợ thứ nhất là thủ tục, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng điều này cần khắc phục sớm trong gói hỗ trợ thứ hai. Ông nhận định một số cơ quan Chính phủ đã nhìn ra vấn đề và có thể điều chỉnh chính sách, văn bản hướng dẫn sao cho phù hợp. Tuy nhiên, việc điều chỉnh phải nhanh, linh hoạt, đáp ứng nguyện vọng của các doanh nghiệp.
Ông lưu ý nếu để nền kinh tế gãy đổ, nhiều doanh nghiệp phá sản, sẽ gây ra những hệ lụy về an sinh xã hội rất lớn. “Cấp cứu thì phải chấp nhận những thủ tục về sau, nhưng hậu kiểm. Không thể vào phòng mổ rồi mà hỏi có bảo hiểm y tế không. Lúc đó mà đi theo quy trình thì chết bệnh nhân. Phải linh hoạt sau đó hậu kiểm”, ông chia sẻ.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đề xuất Quốc hội nên xem xét một điều luật để ứng phó với các tình huống khẩn cấp, giống như “luật thời chiến”. Khi có tình huống khẩn cấp, điển hình như dịch Covid-19, thì phải có sự linh hoạt gì, giúp giải quyết nhanh nhiều vấn đề gì, khung cơ chế chính sách ra sao, thẩm quyền thế nào.
Theo ông, điều luật này cũng là căn cứ pháp lý để có những hành động nhanh, quyết liệt, tránh sợ làm sai quy trình, sai thủ tục.
Ông Ngân dẫn ví dụ như việc cải tạo đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang có nhiều bất cập. Trong khoảng thời gian đất nước thực hiện chống dịch, nếu tranh thủ sửa chữa đường băng sẽ vừa nhanh và đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, khi đó lại vướng thủ tục và chưa thể triển khai ngay.
Hiện tại, việc sửa chữa được triển khai thì tần suất bay lại nhiều lên, gây áp lực ở các sân bay, khiến người dân rất sợ di chuyển. Ông nhấn mạnh điều này làm mất đi thời cơ, gây lãng phí rất nhiều cho xã hội.
“Cần có luật để ứng phó với các tình huống khẩn cấp, tránh làm mất thời cơ”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Trao đổi với Zing, một lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho rằng nếu có gói cứu trợ kinh tế thứ hai thì phải tính rất kỹ đến vấn đề hấp thụ. Vị này dẫn ví dụ gói hỗ trợ thứ nhất có gói tín dụng rất lớn, nhưng nền kinh tế vẫn khó hấp thụ.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm khoảng 2,7%, trong khi cùng kỳ các năm trước khoảng 6-7%. Như vậy, việc giải ngân tiền đang rất thấp trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây ra nhiều khó khăn.
Trong khi đó, với gói an sinh xã hội 62.000 tỷ, có một khoản dành cho các doanh nghiệp vay để trả lương cho công nhân, nhưng cũng không giải ngân được nhiều. “Vấn đề hấp thụ rất quan trọng nên phải tính toán rất kỹ lưỡng”, vị này chia sẻ.
Đại biểu Quốc hội cho rằng cần hỗ trợ những ngành chủ chốt, doanh nghiệp trọng điểm. Ảnh: Quỳnh Danh.
Trong một cuộc họp với Bộ Tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết nhiều nước nới lỏng chính sách tài khóa với mức rất lớn lên đến 11.000 tỷ USD, và con số này chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều nước mua lại các khoản nợ để ngăn chặn các đổ vỡ.
Ông nói ngành tài chính cần phải tiếp tục đề xuất cụ thể về gói kích thích tài khóa, các giải pháp gồm tiếp tục hoãn, giảm, miễn thuế và huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng có thể nâng bội chi và nợ công lên 3-4% GDP mà không ảnh hưởng đến thâm hụt tài chính quốc gia trước mắt và lâu dài. Ngoài ra, các nước thời gian qua đưa ra mức hỗ trợ nền kinh tế khoảng 10% GDP. Nếu Việt Nam làm vậy sẽ có khoảng 30 tỷ USD hỗ trợ kinh tế, trong khi đến nay mới hỗ trợ 15.000 tỷ đồng.
Chính phủ dự báo sẽ có nhiều thay đổi về kinh tế, chính trị trên toàn thế giới sau dịch Covid-19. Việt Nam cũng sẽ phải thay đổi để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ hơn.