“Thổi” giá đất từ thông tin huyện lên quận: “Trâu chậm uống nước đục”?, Bộ Công an kiến nghị Chính phủ không phát triển thêm dự án condotel, officetel… là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.
“Thổi” giá đất từ thông tin huyện lên quận: “Trâu chậm uống nước đục”?
Trên thị trường bất động sản trong những năm qua, việc các công ty nhà đất liên tục đẩy giá nhờ vào những thông tin về hạ tầng giao thông, hành chính… không còn là điều lạ. Nhiều nhà đầu tư cũng lợi dụng những thông tin có lợi của thị trường để lướt sóng, kiếm lời.
Tuy nhiên, cũng có không ít nhà đầu tư đã “sa lầy” trước những thông tin mà “cò đất” bơm thổi. Từ đó, để lại một thị trường ở mức giá cao và có nhiều rủi ro.
Đầu năm 2020, xuất hiện nhiều thông tin huyện Bình Chánh (TPHCM) rục rịch lên quận. Ngay sau đó, bất động sản khu Nam Sài Gòn liên tục được các “cò đất” chào bán đến người dân. Điểm nhấn được các “cò đất” thổi vào tai nhà đầu tư là việc huyện Bình Chánh sắp lên quận.
Theo kết quả rà soát của Sở Nội vụ TPHCM, huyện Bình Chánh hiện cơ bản hội đủ các tiêu chí để thành quận như cơ cấu kinh tế, thu nhập, dân số, cơ sở hạ tầng… Tuy nhiên, quy trình thủ tục để chuyển đổi từ mô hình chính quyền nông thôn (huyện) sang chính quyền đô thị (quận) mất thời gian khá dài.
Bộ Công an kiến nghị Chính phủ không phát triển thêm dự án condotel, officetel
Mới đây, Bộ Công an đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những bất cập trong quy định pháp luật liên quan đến căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel).
Nội dung báo cáo dẫn số liệu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện cả nước có khoảng 82.902 condotel, 28.099 biệt thự du lịch, 12.600 phòng khách sạn, hơn 15.663 căn shophouse… tập trung tại các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Quy Nhơn, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Kiên Giang, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu… Bên cạnh đó, officetel có khoảng 16.523 căn hộ, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM.
Bộ Công an nhận định, hoạt động đầu tư, kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng các loại hình bất động sản này diễn ra dưới nhiều hình thức phức tạp nhưng quy định pháp luật liên quan chưa đầy đủ, tồn tại nhiều bất cập gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước, rủi ro cho người mua và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng an ninh kinh tế, an ninh trật tự.
Vốn tư nhân cho bất động sản: Cơ hội đang đến!
Một dòng tiền khổng lồ trong dân đang lưỡng lự trước cửa ngân hàng và sàn chứng khoán. Tại sao doanh nghiệp bất động sản không chớp cơ hội hiếm có này, kéo dòng vốn rẻ về phía mình?.
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho hay, chênh lệch tăng trưởng cung tiền và tín dụng duy trì mức dương tháng thứ mười liên tiếp và đang ở mức cao kể từ năm 2016.
Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng vẫn đang duy trì ở mức thấp, điều này phần nào cho thấy dòng tiền trong hệ thống vẫn sẽ tiếp tục dồi dào trong ít nhất một tháng tới. Trong khi ấy, thị trường mở (OMO) hầu như vắng bóng các giao dịch giữa ngân hàng thương mại với Ngân hàng Nhà nước.
Tổng hợp các yếu tố trên cho thấy nhu cầu vốn cho hoạt động kinh tế khả năng vẫn duy trì ở mức thấp trong tháng tới. Trong bối cảnh đó, việc các ngân hàng thương mại liên tiếp giảm lãi suất huy động, một mặt giúp các ngân hàng giảm chi phí vốn, song cũng sẽ kích thích dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư, gồm chứng khoán và bất động sản, là hai kênh phổ biến nhất ở Việt Nam.
Những bất ổn của thị trường bất động sản Hà Nội trong nửa đầu năm 2020
Trong nửa đầu năm 2020, ghi nhận từ một số đơn vị nghiên cứu thị trường như JLL, CBRE, thị trường bất động sản Hà Nội có những dấu hiệu bất ổn về nguồn cung mới, giá bán và giao dịch đối với tất cả các sản phẩm.
Theo ghi nhận từ JLL, nửa đầu năm nay, tại thị trường Hà Nội, lượng mở bán chính thức của các sản phẩm nhà ở chung cư chỉ đạt 2.910 căn, thấp hơn 36,7% theo quý. Đây là mức thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Tuy rằng số lượng căn hộ mở bán mới được kỳ vọng sẽ tăng sau nới lỏng giãn cách xã hội, nhưng việc Chính phủ thắt chặt kiểm soát liên quan đến phê duyệt quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng đối với các dự án mới đã làm sụt giảm đáng kể nguồn cung trong quý này. Do vậy, phần lớn nguồn cung mới đến từ giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu.
Dưới tác động của Covid-19, nhiều chủ đầu tư đã thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng mới kết hợp chính sách bán hàng ưu đãi. Thị trường chứng kiến một loạt các bất động sản sử dụng kênh bán hàng trực tuyến như đặt mua trên website hoặc livestream trực tuyến trên fanpage dự án để tiếp cận người mua. Bên cạnh đó, các gói tài chính hấp dẫn với lịch thanh toán dài hạn và chương trình lãi suất 0% cũng thu hút đáng kể sự quan tâm của thị trường, đặc biệt là ở phân khúc khách mua ở thực.
Bất động sản mắc kẹt trong khủng hoảng pháp lý
“Doanh nghiệp bất động sản đang bị đẩy vào tình thế ngồi trên đống lửa trước ma trận thủ tục pháp lý ”, lãnh đạo một doanh nghiệp tại Hà Nội nhìn nhận về những khó khăn chung của doanh nghiệp địa ốc hiện nay.
Theo vị chủ đầu tư này: “Khi triển khai dự án, doanh nghiệp cố chịu đựng để làm cho xong việc, để dự án có thể ra được hàng. Nhưng khi mọi việc xong xuôi rồi nhìn lại, thì chỉ thấy “sợ”. Nếu buộc phải đi lại chặng đường làm thủ tục dự án đó một lần nữa, chắc chắn tôi không đủ can đảm để vượt qua”.
“Trước đây có hành lang cứng và hành lang “mềm”, bây giờ cứng cũng khó mềm cũng khó. Mọi cánh cửa như đóng chặt với doanh nghiệp”, ông cho biết thêm.
Từ hai năm nay, việc xin các dự án rất khó khăn. Hiện doanh nghiệp của ông có một dự án tại Đà Nẵng đang trong quá trình xin giấy phép xây dựng. Hầu như tháng nào ông cũng phải bay đi bay về vài lần để “chạy” thủ tục đầu tư nhưng chưa biết khi nào có thể hoàn thiện hết pháp lý theo đúng quy định.
Hà Linh (tổng hợp)