Khách sạn này nằm tại thị trấn Sa Pa – điểm nóng về du lịch, với số lượng khách tăng vọt trong mấy năm gần đây. Tuy nhiên, từ khi xảy ra dịch, hoạt động kinh doanh bắt đầu ế ẩm.
Sau thời gian “cửa đóng then cài” vì dịch bệnh càng kéo dài, danh sách khách sạn được rao bán ngày càng nhiều.
Vắng khách và không có khách đặt phòng là câu chuyện phổ biến của rất nhiều đơn vị làm trong lĩnh vực kinh doanh nhà nghỉ hay khách sạn thời gian qua. Cầm cự một thời gian, nhiều chủ khách sạn bắt đầu rao bán.
Hai nhóm nhà đầu tư buộc rao báo, chuyển nhượng là nhóm thuê khách sạn để kinh doanh và nhóm vay tiền ngân hàng. Với nhóm thuê khách sạn để kinh doanh, họ đang chịu tác động lớn nhất và nhiều khả năng phải nhượng lại quyền kinh doanh khách sạn với giá rẻ. Còn nhóm vay tiền ngân hàng lại gặp áp lực lớn về việc trả lãi, tình trạng không có doanh thu kéo dài sẽ không thể chống chịu được.
Anh Nguyễn Hùng đang rao chuyển nhượng lại quyền kinh doanh một khách sạn tại phố cổ Hà Nội. Năm 2019, anh ký hợp đồng với chủ nhà, thuê mặt bằng 1,2 tỷ đồng/tháng để kinh doanh khách sạn có quy mô 55 phòng.
Hợp đồng có giá trị 10 năm, chủ nhà cam kết không tăng giá thuê trong suốt thời gian này. Để phục vụ tốt du khách, anh vừa kinh doanh tiến hành sửa chữa nội thất hết 2 tỷ đồng.
Từ sau Tết cho tới nay, anh Hùng như “ngồi trên đống lửa” khi số tiền bỏ vào khách sạn quá lớn mà không có doanh thu do đang đóng cửa. Dù vậy, khách sạn vẫn phải chịu chi phí phí an ninh, trực ban, bảo hiểm xã hội, các dịch vụ đặt trước. Đó là công ty chưa tính đến việc hỗ trợ cho nhân viên tạm thời nghỉ không lương.
Cầm cự không nổi, anh tìm đối tác để chuyển nhượng lại nhưng tới nay vẫn chưa xong. Mong muốn duy nhất của anh lúc này là lấy lại 3 tháng tiền đặt cọc thuê mặt bằng với chủ nhà mà không phải phá vỡ hợp đồng đã ký.
Một giám đốc khách sạn khác chia sẻ, việc rao bán khách sạn hiện nay là rất nhiều, đây là những người vay ngân hàng đầu tư vào để cho khách du lịch quốc tế như Hàn Quốc, Trung Quốc thuê khi lượng khách đến từ thị trường này rất lớn trước khi có dịch. Có thể do chủ đầu tư không gồng nổi trước số tiền vay quá lớn nên muốn bán đi để giảm lỗ.
Việc hàng loạt khách sạn rao bán giữa thời điểm dịch bệnh cho thấy các chủ đầu tư đã bắt đầu “ngấm đòn” và sẽ buộc phải tính toán lại chiến lược đầu tư. Tại một số địa phương, đặc biệt là những điểm du lịch thừa khách sạn như Nha Trang, Sa Pa, Đà Nẵng, số lượng khách sạn được rao bán ngày càng nhiều.
Tại Sa Pa, ca sỹ Ngọc Khuê bất ngờ rao bán khách sạn với giá 110 tỷ đồng. Theo chia sẻ trên trang cá nhân, khách sạn này có diện tích 350m2 với 58 phòng kinh doanh và 5 phòng phụ trợ. Toàn bộ nội thất, vệ sinh trong phòng là đồ tiêu chuẩn 5 sao.
Khách sạn này nằm tại thị trấn Sa Pa – điểm nóng về du lịch, với số lượng khách tăng vọt trong mấy năm gần đây. Tuy nhiên, từ khi xảy ra dịch, hoạt động kinh doanh khách sạn bắt đầu ế ẩm.
Trên một số trang web bất động sản, thông tin chào bán khách sạn kèm với chủ đề khách sạn giá tốt đăng tải ngày càng nhiều. Tuy nhiên, theo một số người có kinh nghiệm, khách sạn lớn ít khi rao bán ở kênh này.
Chờ săn giá rẻ
Theo dữ liệu từ Công ty Sohovietnam (đơn vị chuyên tư vấn các thương vụ M&A bất động sản), nhu cầu của nhiều nhà đầu tư đặt mua khách sạn tăng lên trong thời gian gần đây.
Chỉ riêng lĩnh vực khách sạn và khu nghỉ dưỡng, tổng số tiền sẵn sàng đầu tư nằm trong khoảng từ 8.000 đến 10.000 tỷ đồng, với tiêu chí đầu tư tập trung vào các tài sản đã xây xong, đang vận hành, hoặc xây dựng dở dang, đất dự án.
Khách sạn được tìm mua có quy mô từ 100-500 phòng tại các địa điểm như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hội An, Hạ Long, Huế, Quy Nhơn, Vũng Tàu,…
Tương tự, theo CBRE Việt Nam, từ đầu quý 2/2020, công ty nhận thấy có sự gia tăng nhu cầu tìm mua những khách sạn đang gặp khó khăn về dòng tiền. Công ty này cũng ghi nhận số lượng tài sản ở phân khúc 4-5 sao được chào bán không nhiều vì chủ đầu tư của những khách sạn này thường là những tập đoàn lớn có dự trữ vốn để vượt qua khủng hoảng.
Lý giải về điều này, đại diện Savills Việt Nam cho rằng, các dấu hiệu khó khăn lan rộng trong lĩnh vực đầu tư sẽ buộc nhiều chủ đầu tư phải quyết định chờ đợi cho đợt khủng hoảng này trôi qua nếu tài sản và tiềm lực tài chính của họ vẫn trong khả năng kiểm soát.
Trái lại, với các doanh nghiệp không đủ sức cầm cự qua khó khăn, họ sẽ buộc phải bán đi các tài sản sẵn có. Đây có thể là nguyên nhân của một số thương vụ mua bán và chuyển nhượng dự án, tài sản ở quy mô lớn trong thời gian tới.
Đại diện đơn vị này cho rằng, nếu chào bán khách sạn từ thời điểm này, bên bán phải xác định tình hình kinh doanh sụt giảm ảnh hưởng không nhỏ đến việc quyết định giá chuyển nhượng.
Thực tế, bên bán và bên mua vẫn chưa thể khớp lệnh bởi một số người có nhu cầu tìm mua các bất động sản này cho biết, giá hiện tại vẫn rất chưa hấp dẫn.
Theo ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam, nhiều khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng đều kêu khó khăn nhưng chưa chấp nhận bán rẻ. Họ đang nghe ngóng thị trường xem tình hình bệnh dịch như thế nào.
Đánh giá về thị trường, giới chuyên gia cho rằng, từ nay tới cuối năm nếu không có gì cải thiện, khi các chủ khách sạn đã ngấm đòn, làn sóng mua bán sẽ nở rộ.