Chuyên gia kinh tế cho rằng, do thanh khoản gặp khó ở nhiều ngành nên dự báo thị trường BĐS có thể khó khăn kéo dài đến quý III năm sau.
Dù Chính phủ đã có nhiều hoạt động quyết liệt để gỡ khó cho lĩnh vực BĐS, tuy nhiên, theo ông Hoàng Hải- Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), qua làm việc với các địa phương và doanh nghiệp, còn rất nhiều dự án nhà ở, khu đô thị gặp khó khăn, chậm hoặc dừng triển khai. Nguyên nhân là vướng mắc pháp lý về đất đai, nhất là quy định về phương pháp định giá đất; thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung; điều kiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch.
Theo ông Hải, nguồn cung và thanh khoản giảm mạnh càng làm thị trường BĐS thời gian qua thêm khó khăn. Trong khi đó, giá nhà ở và đất nền vẫn liên tục tăng. Cuối năm ngoái, giá căn hộ đã tăng bình quân 5-7%; nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; đất nền tăng đến 30% so với cuối năm 2020. Điển hình là giá căn hộ từ bình dân đến cao cấp liên tục lập dấu mốc mới, vượt quá khả năng chi trả của nhiều người mua.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cầu tiêu dùng nội địa vẫn yếu, phục hồi chậm cho thấy nền kinh tế đang hồi phục theo đáy ở hình chữ U thay vì chữ V; thanh khoản gặp khó ở nhiều ngành. Dự báo thị trường BĐS có thể khó khăn kéo dài đến quý III năm sau.
Tại diễn đàn phát triển bền vững thị trường BĐS vừa diễn ra, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS thành lập mới trong quý giảm.
Cụ thể, quý I/2023 là 940 doanh nghiệp, giảm 63,2% so với cùng kỳ năm 2022, bên cạnh đó số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 doanh nghiệp, tăng 30,2% và 1.816 doanh nghiệp, tăng 60,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tại diễn đàn, các ý kiến cho rằng, việc tăng nguồn cung nhà giá rẻ sẽ giúp thị trường phục hồi và phát triển bền vững. Theo ông Nghĩa, cuộc khủng hoảng 10 năm trước là dư nguồn cung, nhưng lần này lại là khủng hoảng thiếu cung, nhất là nhà ở giá rẻ khiến thị trường “đóng băng”. Giải pháp phá băng cho thị trường là tăng nguồn cung nhà ở giá rẻ bằng quy định khung giá cho loại hình này như các nước đang thực hiện.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần được hỗ trợ để chủ động phát triển dự án nhà giá rẻ, gỡ bỏ một số khống chế về lợi nhuận, đối tượng mua nhà, nguyên nhân làm các chủ đầu tư phân khúc này nản lòng.
Theo ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, hiện thị trường khan hiếm nguồn cung về nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội (NƠXH). Tình trạng lệch pha giữa cung và cầu đã làm giảm sức mua của người dân, góp phần gia tăng khó khăn cho thị trường.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải tìm lời giải cho tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá bình dân. Việc giải quyết phân khúc nhà ở giá rẻ không được tập trung và giải quyết đúng cách, thì thách thức về khủng hoảng bất động sản cũng sẽ không được giải quyết.
Tổng Hợp
(Tiền Phong)