Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, cơ quan này đã họp với các ngân hàng thương mại nhà nước gồm VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank. Các ngân hàng này đã đồng ý dành một gói tín dụng trị giá 120.000 tỷ đồng dành cho vay lĩnh vực nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.
Việc dòng vốn đi vào thực tế như thế nào còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của thị trường. Điểm thuận lợi cho khách hàng vay theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực, quy trình thủ tục vay sẽ đơn giản hơn so với gói tín dụng 110.000 tỷ đồng Chính phủ đang trình Quốc hội.
“Gói tín dụng 120.000 tỷ này là gói tín dụng có tính chất thương mại, có ưu đãi lãi suất một chút và tập trung chủ yếu vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Như vậy, lãi suất cho vay của gói tín dụng này sẽ vào khoảng 10%/năm, cao hơn lãi suất cho vay từ gói tín dụng 110.000 tỷ đồng Chính phủ đang trình Quốc hội”, TS. Cấn Văn Lực cho hay.
Đáng chú ý, lãi suất cho vay đối với người xây dựng và người mua nhà khi được áp dụng gói tín dụng này sẽ thấp hơn từ 1,5-2 điểm % lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Được biết, 4 ngân hàng BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Agribank đã tự nguyện đăng ký mỗi ngân hàng 30.000 tỷ đồng. Thống đốc cho biết, gói này sẽ còn tăng lên khi nhiều ngân hàng khác đăng ký tham gia.
“Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng tham gia bị thiếu hụt về thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tái cấp vốn để các ngân hàng triển khai tiếp”, Thống đốc nhấn mạnh.
Hiện, gói tín dụng này được các ngân hàng thương mại bắt tay xây dựng chính sách với tinh thần triển khai nhanh và thực chất nhất.
“Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất chung với các ngân hàng thương mại. Vì vậy, chắc chắn các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ triển khai. Nguồn vốn triển khai sẽ lấy từ nguồn huy động của chính ngân hàng”, lãnh đạo một ngân hàng “big 4” chia sẻ với Dân Việt.
Vị này cũng cho biết, hiện ngân hàng vừa lên kế hoạch triển khai, vừa “đợi” hướng dẫn chung từ Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng về các tiêu chí, đối tượng cụ thể của gói tín dụng, cũng như lãi suất cho vay như thế nào?
“Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng phối hợp với nhau để ban hành văn bản hướng dẫn chung đối với gói tín dụng này. Ví dụ nhà ở xã hội như thế nào, nhà ở công nhân như thế nào, thu nhập thấp thế nào,… để tạo nên tính nhất quán, tránh việc mỗi ngân hàng hiểu một kiểu. Sau khi có hướng dẫn chung, ngân hàng chúng tôi sẽ cung cấp thông tin cụ thể về việc gói tín dụng này tới khách hàng”, vị lãnh đạo này thông tin thêm.
Giới chuyên gia đánh giá, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp là tín hiệu tích cực đối với thị trường bất động sản trong bối cảnh “nguy kịch” hiện nay.
Nếu gói tín dụng này nhanh chóng triển khai, triển khai thực chất và đúng đối tượng sẽ giúp thị trường bất động sản “ấm” lên, giảm bớt phần nào thanh khoản cho doanh nghiệp bất động sản trên thị trường khi tham gia xây dựng các dự án thuộc phân khúc này. Từ đó, sẽ kéo vực dậy các phân khúc bất động sản khác.
Thống kê trong một báo cáo mới đây từ bộ phận nghiên cứu tại Công ty chứng khoán SSI cũng chỉ ra rằng, mặt bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn trên 6 tháng đã có điều chỉnh giảm tại một số ngân hàng trong thời gian qua, mặc dù mức độ giảm không đáng kể (chỉ 50 điểm cơ bản). Hiện tại, lãi suất huy động trong khoảng 8% đến 9,5%/năm đối với tiền gửi thông thường. Tuy nhiên, lãi suất cho vay lại không có nhiều thay đổi – vẫn ở mức trung bình khoảng 12%-16%/năm.
Như vậy, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất áp dụng thấp hơn từ 1,5-2 điểm % lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ. Nếu tính cơ học, lãi vay của gói tín dụng này vẫn trên 10%/năm, nếu triển khai ở thời điểm hiện tại.
Theo các chuyên gia để khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, trước hết cần có sự thống nhất quy định trong các văn bản pháp luật về loại đất xây dựng. Chế độ ưu đãi dành cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội cần được cải thiện, như: vốn vay, giảm bớt thủ tục hành chính, nâng mức lợi nhuận tối đa…
Qua đó, có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội thông qua việc tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cấp tín dụng ưu đãi cho dự án nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, cần sửa đổi Luật Nhà ở để đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Đấu thầu cũng như các văn bản liên quan. Trong đó, ưu tiên chính sách, điều kiện hưởng cho người thu nhập thấp cũng như quy hoạch, phát triển quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Cần có chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp lựa chọn hình thức đầu tư sao cho đa dạng về diện tích và chất lượng nhà ở phù hợp với nhu cầu, khả năng chi trả của các nhóm thu nhập khác nhau.
Tổng Hợp
(Dân Việt, VTV)