Cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách về đất đai là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, tập trung thảo luận. Khe hở lớn trong chuyển mục đích sử dụng đất…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Nghị quyết 18 của Trung ương là “kim chỉ nam” trong việc định hướng xây dựng luật và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới. Theo Bộ trưởng, có ba vấn đề lớn cần quan tâm, trong đó có vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất. Ông Hồ Đức Phớc cho rằng, đây là một lỗ hổng vô cùng lớn, tạo chênh lệch địa tô, từ đó xảy ra sai phạm. “Chính vì vậy việc quản lý mục đích sử dụng đất phải chặt chẽ”, ông lưu ý.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu tình trạng cổ phần hóa, các doanh nghiệp ngoài nhà nước nhằm vào các khu đất vàng, sau đó chuyển mục đích sử dụng vào mục đích thương mại, đất ở. Theo ông Hồ Đức Phớc, đây chính là địa tô chênh lệch, gây thất thoát và cũng chính là một lỗ hổng. “Chỉ với một quyết định hành chính, tự nhiên hàng nghìn tỷ, hàng trăm tỷ có thể mất đi. Chúng ta phải có cơ chế để bịt lỗ hổng này”, ông Phớc cho hay.
Liên quan đến vấn đề giá đất, theo Bộ trưởng, hiện có 5 phương pháp, nhưng các phương pháp đều chưa thực sự nhất quán, chính xác. Ông ví dụ, khi chuyển mục đích sử dụng đất, hiện đa số sử dụng theo phương pháp thặng dư. Phương pháp này không chính xác, vì giá trị doanh thu và chi phí đầu tư đều là giả định, nên sẽ không chính xác, gây rủi ro pháp lý. “Sắp tới chúng ta phải rà soát, xác định lại phương pháp xác định giá đất để định ra phương pháp xác định một cách phù hợp nhất, chính xác nhất, nhất quán nhất”, ông Phớc cho hay.
Về vấn đề giao đất, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, bất cập hiện nay là không xác định rõ thời điểm từ khi xác định giá đất đến khi giao đất kéo dài trong bao lâu: 1 tháng, 6 tháng, hay 1 năm? Theo ông, phải quy định rõ, thời gian từ khi định giá đất đến khi giao đất không quá 6 tháng, như vậy mới đảm bảo được độ chính xác. “Tiền trao cháo múc”, nhấn mạnh điều này, ông Phớc lưu ý, phải đến khi nộp tiền vào ngân sách rồi, lúc đó mới giao đất.
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Nghị quyết 18 của Trung ương đã nêu các nhóm vấn đề rất cốt lõi, quá trình sửa đổi luật phải thể chế hoá các nhóm vấn đề cốt lõi đó. Một trong những công cụ để thể hiện quyền đại diện của Nhà nước với sở hữu toàn dân về đất đai, đó là công tác quy hoạch. “Công tác này phải đổi mới về phương pháp, nội dung, hình thức và xác định lại vị thế của nó, để quy hoạch mang được trách nhiệm, quyền hạn của Nhà nước trong việc phân bổ nguồn lực tài nguyên đất đai”, ông Hà nói, đồng thời nhấn mạnh, công tác quy hoạch sẽ giải quyết được yêu cầu về công bằng, bình đẳng cho các bên trong phân bổ, sử dụng đất đai.
“Mình bán tài sản ra thì phải thu tiền, chứ bán ra mà cho nợ, đến khi tài sản đó họ lại bán cho người khác, rồi nợ không thu được, lại liên quan đến hàng nghìn người dân đã đóng tiền mua nhà. Đây lại là hiện tượng phổ biến, đã xảy ra lừa đảo tại các dự án đô thị mà chúng ta chưa khắc phục được”. Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Nhà nước phải trực tiếp thực hiện thu hồi và bồi thường giải phóng mặt bằng theo cơ chế thống nhất đối với mọi dự án đầu tư phát triển bất động sản có quyết định phê duyệt đầu tư của Nhà nước. Người dân có đất thu hồi được hưởng chính sách bồi thường và tái định cư thống nhất, đảm bảo tái lập cuộc sống bằng hoặc tốt hơn sau khi tái định cư.
Tổng Hợp