Ngày 29/6 vừa qua, Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) đã ban hành nghị quyết thông qua việc FLC cùng với Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes (mã FHH) mua lại tòa nhà trụ sở tại 265 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội từ Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Giá chuyển nhượng được xác định bởi bên thứ 3 là đơn vị thẩm định giá độc lập. Đồng thời, HĐQT Tập đoàn FLC cũng cho phép bán/chuyển nhượng tòa nhà này cho một bên khác với giá trị tối thiểu 2.000 tỷ đồng sau khi đã hoàn tất thủ tục mua lại tòa nhà từ OCB.
Từ tháng 9/2020, HĐQT Tập đoàn FLC đã thông qua việc sử dụng tài sản tại số 265 Cầu Giấy để bảo đảm cho nghĩa vụ tài chính của Bamboo Airways tại OCB – chi nhánh Thăng Long. Sau đó, đến tháng 11/2020 thì HĐQT FLC đã ban hành nghị quyết sử dụng tòa nhà 265 Cầu Giấy để gán nợ thay thế cho nghĩa vụ trả nợ của Tập đoàn FLC, FLCHomes, CTCP Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán ROS), CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (mã AMD) và CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways – mã BAV) tại OCB.
Được biết, tòa nhà trụ sở FLC tại 256 Cầu Giấy bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2019. Tổng diện tích các sàn của tòa nhà này là hơn 101.000 m2 với 42 tầng, gồm 4 tầng hầm và 38 tầng nổi.
Trong đó, tài sản bảo đảm là sàn thương phẩm kinh doanh hình thành trong tương lai của 3 tầng hầm, 6 tầng trung tâm thương mại (từ tầng 1 đến 6), Khu tháp văn phòng (từ tầng 7 đến 17 và từ tầng 21 đến 38).
Còn FLCHomes gán nợ cho OCB các quyền sử dụng thửa đất Khu 2, Khu 3A + 3B + 3C tại địa chỉ số 265 Cầu Giấy. Khu 2 có diện tích 1.160 m2 để xây dựng tháp văn phòng cao 38 tầng nổi và 4 tầng hầm. Khu 3A + 3B + 3C có diện tích 2.297 m2 để xây khu thương mại cao 5 tầng. Thời hạn sử dụng của các thửa đất đều là 50 năm kể từ ngày 3/1/2012.
Hiện, OCB đang là một trong những chủ nợ lớn của FLC, với số dư nợ ngắn hạn tại ngày 31/3 là 713 tỷ đồng và 818 tỷ đồng nợ trái phiếu.
FLC có lời đề nghị các cơ quan, tổ chức thông tin cho doanh nghiệp nếu nhận biết được sự kiện gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, sau đó sẽ tiếp tục công bố đầy đủ theo quy định. Phiên giao dịch 30/6, trong khi VN-Index sụt giảm sâu, mất 20,49 điểm, tương ứng 1,68% còn 1.197,6 điểm thì cổ phiếu FLC vẫn tăng giá. Mã này tăng 1,6% lên 5.750 đồng/cổ phiếu sau khi có thời điểm tăng trần trong phiên.
Tính từ phiên 21/6 tới nay, mã này đã tăng tới 57,53% – tức giúp nhiều nhà đầu tư tăng hơn gấp rưỡi giá trị đầu tư. Tuy nhiên, với thị giá 5.750 đồng/cổ phiếu ở thời điểm hiện tại (đóng phiên 28/6) thì nhiều nhà đầu tư “đu đỉnh” vào hồi tháng 1 (vùng giá trên 20.000 đồng) vẫn còn gánh thua lỗ nặng nề. Đây là phiên tăng thứ 8 liên tiếp của FLC, trong đó có 6 phiên tăng trần.
Trong khi đó, cổ phiếu ROS của FLC Faros – một thành viên trong hệ sinh thái FLC – cũng có 6 phiên tăng liên tục từ ngày 22/6 đến 29/6, tăng trần liên tục 5 phiên từ 22/6 đến 28/6. Đến phiên hôm nay, ROS giảm sàn về mức giá 2.880 đồng/cổ phiếu.
Với diễn biến trên, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) đã yêu cầu FLC và FLC Faros phải giải trình theo quy định tại Thông tư 96 năm 2020. Cụ thể, điều khoản quy định các công ty đại chúng có 24 giờ để báo cáo, công bố các thông tin liên quan đến công ty có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu trong trường hợp giá tăng trần hoặc giảm sàn liên tiếp 5 phiên.
Theo đó, FLC Faros cho biết, việc tăng giá hoàn toàn do cung cầu của thị trường chứng khoán, nằm ngoài sự kiểm soát của công ty và nội bộ doanh nghiệp không có bất kỳ sự kiện gì có thể gây ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu trong thời gian qua.
Tổng Hợp