Giá xăng dầu hôm nay 23/5: Giá xăng có thể tăng 600 – 1.000 đồng/lít, lên mức cao kỷ lục.
Cập nhật giá dầu thế giới lúc 6 giờ ngày 23/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 6 được giao dịch ở mức 109,7 USD/thùng, giảm 0,56 USD, tương đương 0,51%. Cùng thời điểm, giá dầu Brent giao tháng 7 được giao dịch ở mức 112,1 USD/thùng, giảm 0,38%, tương đương 0,43 USD.
Trong nước, dự báo giá xăng trong nước sẽ tiếp tục tăng trong kỳ điều hành chiều nay 23/5 và tiến sát mốc 31.000 đồng/lít – mức giá cao nhất từ trước đến nay. Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá bán lẻ xăng dầu tham chiếu từ thị trường Singapore đến ngày 19/5 vẫn còn cao. Xăng RON92 (dùng pha chế xăng E5 RON92) 141,6 USD/thùng, xăng RON95 146,74 USD/thùng, dầu diesel 132,62 USD/thùng. Mức giá xăng này đang cao hơn tại kỳ điều hành trước và giá dầu thấp hơn.
Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh đầu mối xăng dầu cho biết, giá xăng dầu tại kỳ điều chỉnh ngày 23/5 có thể tăng khoảng 600 – 1.000 đồng/lít; giá dầu giảm mức tương đương hoặc giữ nguyên nếu nhà điều hành sử dụng quỹ bình ổn. Nếu đúng như dự báo, đây là lần thứ 4 giá xăng tăng liên tiếp.
Giá cả hai mặt hàng dầu thô Brent và WTI đều trải nghiệm mức tăng mạnh trong tuần trước do lo ngại về một cuộc khủng hoảng nguồn cung gia tăng khi cả Mỹ và Trung Quốc đều cho biết có kế hoạch mua bổ sung dầu thô vào kho dự trữ. Các quyết định ngừng cung cấp khí đốt của Nga với nhiều nước EU sẽ buộc những nước này phải tìm kiếm các nguồn cung thay thế, qua đó sẽ làm gia tăng áp lực nguồn cung, vốn đã bị thắt chặt trong suốt thời gian qua. Mỹ cũng được cho là đang tìm cách bổ sung thêm 60 triệu thùng dầu vào kho dự trữ quốc gia.
Nguồn cung dầu toàn cầu cũng được nhận định khó có thể được cải thiện, thậm chí còn có chiều hướng suy giảm.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU áp đặt với Nga tiếp tục là rào cản, ngăn dầu thô Nga đi ra các thị trường nước ngoài.
Nhu cầu tiêu thụ dầu từ Trung Quốc được cải thiện mạnh khi dịch Covid-19 được kiểm soát cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu đi lên.
Trong một báo cáo được phát đi vào tuần trước, các chiến lược gia của ngân hàng Morgan Stanley đã nâng dự báo suy thoái kinh tế Mỹ trong 12 tháng tới lên 27%, cao hơn nhiều mức dự báo 5% được đưa ra hồi tháng 3/2022.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý I/2022 đã giảm 1,4%, là lần sụt giảm đầu tiên của nước này kể từ năm 2020.
Ở diễn biến mới nhất, Liên Hợp quốc ngày 18/5 cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 từ 4% xuống 3,1%. Dự báo này của Liên Hợp quốc đưa ra dự trên sự sụt giảm của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu.
Chỉ trong vòng 2 tháng, giá bán lẻ xăng trong nước đã hai lần lập đỉnh. Gần nhất, hôm 11/5, mỗi lít xăng RON95 tăng lên mức 29.980 đồng, cao nhất lịch sử. Giá xăng lên sát 30.000 đồng/lít và còn có thể tăng thêm nếu giá thế giới vẫn xu hướng đi lên, sẽ ảnh hưởng tới tiêu dùng, phục hồi kinh tế và lạm phát. Nếu giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm và tăng trưởng giảm 0,5 điểm phần trăm.
Với đà tăng hiện nay, các chuyên gia nhận xét, giá xăng dầu bình quân sẽ tăng khá cao, ảnh hưởng trực diện tới vận tải, khai thác thuỷ sản và tiêu dùng. Nhà điều hành cần rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu và các loại thuế, phí để kìm đà tăng của loại nhiên liệu này.
Tổng Hợp