Các nhà lãnh đạo cần nuôi dưỡng sự cam kết thực hiện chuyển đổi số. Năng lực lãnh đạo số quyết định thành bại chuyển đổi số, chuyển đổi số là quá trình không thể đảo ngược, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ.
Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội chuyển đổi số thành công để không tụt hậu, lệ thuộc. Song để làm được điều này, ông Đường cho rằng các doanh nghiệp cần chú trọng sự thay đổi trong quy trình, nhận thức, thói quen chứ không chỉ riêng vấn đề công nghệ.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng bộ chỉ số chuyển đổi doanh nghiệp trong năm 2021 với ba chỉ số thành phần, bao gồm: chỉ số chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), chỉ số cho doanh nghiệp lớn và chỉ số cho các tập đoàn, tổng công ty.
Để đáp ứng điều kiện chuyển đổi số, lãnh đạo phải đáp ứng các điều kiện về năng lực chuyển đổi số và cam kết chuyển đổi số. Trong đó, để doanh nghiệp chuyển đổi số có hiệu quả, không lãng phí thời gian, chi phí, lãnh đạo doanh nghiệp cần có suy nghĩ rõ ràng về kết quả mà doanh nghiệp muốn đạt được. Đồng thời, cần dựa trên tình hình thực tế của công ty để xác định đích đến của chuyển đổi số là ở đâu.
Chi phí triển khai chuyển đổi số là thách thức lớn nhất, không chỉ bao gồm chi phí thuê, mua phần mềm, giải pháp mà còn phát sinh thêm, các chi phí như: chi phí thay đổi quy trình, đào tạo nhân sự để thích ứng với quy trình mới; chi phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin, chi phí trong bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Mặt khác, các nhà lãnh đạo cần nuôi dưỡng sự cam kết thực hiện chuyển đổi số trong toàn bộ doanh nghiệp như việc thành lập các nhóm chiến lược trong chuyển đổi số. Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố có tác động nhiều đến kết quả và hiệu quả chuyển đổi số. Chính vì vậy, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh sẽ tác động đến thành công của chuyển đổi số.
Để chuyển đổi số hiệu quả, theo PGS.TS. Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp, cần đánh giá năng lực hấp thụ của doanh nghiệp để thiết kế lộ trình chuyển đổi số phù hợp. Không phải mua sắm một vài thiết bị công nghệ để sử dụng thì được xem như là đã chuyển đổi số, mà yêu cầu đặt ra với doanh nghiệp là thay đổi phương thức quản lý, phương thức tổ chức của những người quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp.
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi thành công cần căn cứ trên cơ sở khảo sát, điều tra, nghiên cứu, từ đó mới có cơ sở thiết kế chương trình đào tạo, tập huấn, xây dựng cho doanh nghiệp lộ trình chuyển đổi số thành công. Trong đó, thu thập thông tin liên quan đến sự sẵn sàng cho việc chuyển đổi số và thực trạng năng lực của doanh nghiệp. Theo ông Quân, khảo sát đánh giá này là cơ sở để xây dựng nội dung các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất, chất lượng nói chung và việc chuyển đổi số, sản xuất thông minh, như thiết kế nội dung chương trình đào tạo, tập huấn kiến thức về chuyển đổi sang kinh tế số…
Đồng thời, xây dựng lộ trình chuyển đổi sang kinh tế số và sản xuất thông minh của doanh nghiệp; Xây dựng các đề án tư vấn cho doanh nghiệp về chuyển đổi sang kinh tế số và sản xuất thông minh. Hơn nữa, trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi lớn, tiềm ẩn thách thức và cơ hội nên để tạo đột biến, các doanh nghiệp Việt cần nắm bắt, nhaỵ bén, khai thác được tiềm năng sẵn có.
Khi tiến hành chuyển đổi số, hệ thống chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước phải luôn luôn tạo sự hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy các giải pháp chuyển đổi số với năng lực doanh nghiệp, đánh giá xem mình đặt mức độ nào theo tiêu chí đề ra. Đây là giải pháp vô cùng quan trọng với doanh nghiệp chuyển đổi số.
Tổng Hợp