Trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tranh thủ cơ hội mở rộng quỹ đất. Đây là một trong những yếu tố quan trọng đánh giá năng lực và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, cho thấy cam kết về định hướng phát triển trong tương lai.
Nếu như trước đây, trong cuộc chơi M&A, thế mạnh nghiêng về các công ty, tập đoàn nước ngoài khi họ nắm vai trò là bên mua, thì nay có vẻ gió đã đổi chiều, nhiều doanh nghiệp Việt đã ở thế “cá lớn”.
Sự lột xác của hạ tầng liên vùng, kết nối tới TP HCM đã đưa thị trường bất động sản ở các tỉnh giáp ranh như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phan Thiết,… trở nên sôi động và hấp dẫn. Nổi bật là dự án đường vành đai 3 dài hơn 98 km đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và Long An, cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết , đường sắt từ sân bay Tân Sơn Nhất tới sân bay Long Thành,…
Các công trình hạ tầng này khi hoàn thiện sẽ có những tác động lớn tới sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực, điều này nhanh chóng thu hút những doanh nghiệp sở hữu tiềm lực lớn tới đặt chân khai mở. Trong bối cảnh thị trường địa ốc trầm lắng do ảnh hưởng từ dịch bệnh, nhiều thương vụ M&A trị giá hàng nghìn tỷ góp phần hâm nóng thị trường.
Một số “đại gia” cũng mạnh tay thâu tóm các dự án bằng cách mua cổ phần. Mới đây, Masterise Group đã có kế hoạch đầu tư 5.000 tỷ đồng để mua một phần quỹ đất tại Dự án Vinhomes Dream City nhằm phát triển một khu biệt thự đẳng cấp thuộc quần thể khu đô thị này trong tương lai. Một “ông lớn” không thể không kể đến là Hưng Thịnh. Hiện quỹ đất phát triển của doanh nghiệp này lên tới 4.500 ha, phân bổ khắp nhiều tỉnh, thành phố, như TP.HCM, Hà Nội, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Những cái tên như Tập đoàn Danh Khôi, Công ty LDG… cũng đang tích cực “đi chợ” dự án từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay. Chẳng hạn, từ đầu năm 2020 đến nay, Danh Khôi đã thâu tóm thành công 6 dự án tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong khi đó, LDG cũng công bố mua lại nhiều dự án ở các địa phương, nâng tổng quỹ đất của doanh nghiệp này từ 170 ha năm 2019 lên tới 813 ha hiện nay…
Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) đã thông qua chủ trương mua 99% vốn tại Công ty Đầu tư Bắc Cường – đơn vị có quỹ đất được xếp vào nhóm đất vàng của TP. Đà Nẵng. Trước đó, doanh nghiệp này hoàn tất mua 99,5% cổ phần Công ty cổ phần Bất động sản đầu tư và Phát triển cao ốc Bình Dương. Thương vụ M&A này đã giúp PDR toàn quyền quyết định việc đầu tư kinh doanh dự án chung cư quy mô hơn 4,5 ha tại TP. Thuận An (Bình Dương).
Tính đến thời điểm hiện tại, Phát Đạt là doanh nghiệp có quỹ đất khá lớn với gần 470 ha. Tại miền Trung, dự án lớn nhất của PDR là Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội (116 ha), gồm 3 phân khu 2, 4 và 9. Ngoài ra, Công ty còn phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tại Bà Rịa – Vũng Tàu (15,4 ha), Phú Quốc (hơn 178 ha)…
Tập đoàn Bất động sản An Gia, xuất phát điểm từ một doanh nghiệp môi giới, đã trở thành nhà phát triển dự án từ chiến lược M&A. Doanh nghiệp này gần đây đã gây chú ý khi công bố mỗi năm sẽ chi 3.000 – 5.000 tỷ đồng để mở rộng quỹ đất, nhắm đến những khu đất quy mô lớn để triển khai các dự án phức hợp. Năm ngoái, An Gia đã mua lại 3 ha đất tại Bình Dương để phát triển dự án cao tầng với quy mô gần 3.000 sản phẩm và đang trong quá trình hoàn tất đàm phán mua thêm 30-50 ha đất để phát triển dự án thấp tầng.
Với các doanh nghiệp địa ốc, việc nắm giữ quỹ đất và năng lực triển khai dự án được xem là yếu tố quyết định sự thành công và M&A luôn được xem là công cụ hữu hiệu, là cách nhanh nhất để thâm nhập thị trường, nhưng không phải ai cũng thành công, mà phải có chiến lược rõ ràng, tận dụng được thời cơ thích hợp.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)