Đường bay thẳng Việt Nam – Mỹ là một trong những mục tiêu có từ rất lâu của ngành hàng không Việt Nam, được mong chờ sớm chính thức đưa vào khai thác trong tương lai không xa.
Các hãng hàng không Việt cần phải tính toán kỹ xem có đủ sức cạnh tranh và hạn chế việc bay nhưng bị lỗ.
Giấc mơ ấy đang dần dần được hiện thực hoá bởi 2 hãng hàng không Vietnam Airlines và Bamboo Airways. Để mở được đường bay thẳng Việt Nam – Mỹ, các hãng hàng không Vietnam Airlines và Bamboo Airways sẽ phải đối diện với rất nhiều thử thách từ việc cạnh tranh giá vé máy bay với các hãng hàng không khác trên thế giới. Cạnh tranh về số lượng hành khách, kích cầu du lịch trong nước và quốc tế.
Một số chuyên gia cho biết, đã có một số khảo sát đánh giá thị trường hàng không Việt Nam – Hoa Kỳ có khoảng 700 – 800 nghìn lượt khách đi lại mỗi năm. Với việc rút ngắn thời gian bay khi bay thẳng, các hãng bay Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn so với các hãng bay vòng. Đặc biệt là khả năng tiếp cận đối tượng khách doanh thu cao là đối tượng khách có yêu cầu về thời gian đi lại. Bay thẳng Việt Nam – Hoa Kỳ là thị trường hoàn toàn mới, có nhiều tiềm năng do chưa có hãng nào khai thác, đây sẽ là cơ hội tốt cho các hãng hàng không Việt nếu tận dụng tốt.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, mục tiêu bay thẳng tới Mỹ đã có từ nhiều năm nay. Các hãng hàng không Việt Nam đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, từ công tác nghiên cứu thị trường, xác định sản phẩm bay hiệu quả tới việc đáp ứng Mức 1 (Category 1) về năng lực giám sát an toàn hàng không theo quy định của Cục Hàng không Mỹ (FAA). Cùng với đó là công tác chuẩn bị kỹ thuật, làm chủ công nghệ khai thác, bảo dưỡng chủng loại tàu bay thế hệ mới, để có thể thực hiện chuyến bay xuyên Thái Bình Dương tới Mỹ.
Những năm qua, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu trở thành một công xưởng của các doanh nghiệp FDI thế hệ mới, rất nhiều sản phẩm của công xưởng mới phải vận chuyển bằng máy bay. Với mục tiêu này, khi các doanh nghiệp FDI tăng cường, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, thì nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không quốc tế là rất lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiềm năng rất lớn về du lịch, mở ra rất nhiều tiềm năng cho ngành hàng không. Đặc biệt, Việt Nam có khoảng 2 triệu kiều bào tại Mỹ, nên nhu cầu bay để về nước của họ rất lớn, cũng như số người từ Việt Nam sang Mỹ thăm người thân cũng không hề nhỏ. Đặc biệt, Mỹ là nơi có nhiều trường đại học nổi tiếng thế giới, và ngày càng nhiều du học sinh Việt Nam sang Mỹ, đây cũng là nơi thu hút rất nhiều doanh nhân khởi nghiệp từ các nước trong đó có Việt Nam.
Trước đây, khi trả lời báo chí Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết từng đưa ra tính toán về chi phí mở đường bay thẳng Việt Nam – Mỹ: “Giả sử Bamboo phải thuê 1 tàu bay 787, nếu thuê tàu bay khoảng 1 triệu USD/tháng khoảng 23 tỷ đồng, khoảng 61 tỷ chi phí nguyên tiền xăng dầu cho 1 tháng. Qua đó, 1 tháng bay được 17 ngày, mỗi chuyến bay thông thường 15 tiếng, nếu bay vào mùa đông khoảng tháng 12, tháng 1 ngược gió thành 17 tiếng. Chi phí kỹ thuật 16 tỷ, chi phí dịch vụ mặt đất 1 tỷ…
Về thu, nếu giả sử bán vé trung bình 1.100 USD, sẽ thu về trên 240 khách. Tuy máy bay 787-9 có 310 ghế, song máy sẽ phải giảm đi để có thêm ghế hạng C. Trung bình 240 ghế x 1.100 USD cả chiều đi chiều về, số tiền thu về ước khoảng 116 tỷ 300 triệu đồng. Số lỗ khoảng 14 tỷ. Thế nhưng, nếu bán vé tăng lên mức trung bình 1.300 USD cho khứ hồi, số lãi rơi vào 8,4 tỷ. Như vậy hiệu quả đường bay hoàn toàn phụ thuộc vào giá vé.
Mỹ được đánh giá là thị trường hàng không khó tính bậc nhất thế giới. Theo quy định của luật Hàng không Dân dụng Liên bang Mỹ, để có thể khai thác các chuyến bay thương mại thường lệ tới Mỹ, các giấy phép của Bộ Giao thông Vận tải Mỹ (DOT), Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA) và Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) được coi là 3 điều kiện quan trọng nhất.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)