Theo “Báo cáo động thái doanh nghiệp ĐBSCL” 6 tháng đầu năm 2021 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ công bố, tại khu vực ĐBSCL. Mỗi tháng có trên 1.100 doanh nghiệp tại ĐBSCL rút khỏi thị trường, chỉ 250 doanh nghiệp quay lại hoạt động.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, khu vực ĐBSCL có 1.523 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 4,57% so với cùng kỳ năm 2020), đồng thời có 1.796 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (tăng 11,41%), 4.030 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 67,71%), có 955 doanh nghiệp đã giải thể (tăng 27,33%). Điều này cho thấy bình quân mỗi tháng tại ĐBSCL có trên 1.100 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, trong khi số doanh nghiệp quay lại hoạt động chỉ là 250 doanh nghiệp.
“Báo cáo động thái doanh nghiệp ĐBSCL” 6 tháng đầu năm 2021 cho biết, từ việc nhận diện những khó khăn khi đại dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 5/2021, cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực ĐBSCL kiến nghị Chính phủ, chính quyền các địa phương về các chính sách cấp bách nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì sản xuất và bảo đảm đời sống cho người lao động.
Cụ thể, cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực ĐBSCL kiến nghị cần có sự thống nhất của các địa phương theo quy định của Chính phủ để tránh gây tổn thất về thời gian và chi phí xét nghiệm nhanh Covid-19. Vấn đề xét nghiệm nhanh cần thiết có trạm dọc đường để giúp tài xế có thể chủ động vận chuyển xuyên suốt và nên tăng thời gian test từ 3 ngày lên 5 ngày nhằm tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa đi xa.
Số doanh nghiệp thành lập mới 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5.128 doanh nghiệp, tăng 12,28% so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký đạt 70.605 tỷ đồng, bình quân là 13,77 tỷ đồng/doanh nghiệp, tổng số lao động đăng ký là 44.810 nghìn. So với cùng kỳ, tăng tương ứng 78,11% về vốn nhưng giảm 22,38% số lao động.
Kiên Giang, Long An và TP. Cần Thơ là 3 địa phương có số lượng doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký cao nhất trong khu vực ĐBSCL. Số vốn bình quân đăng ký trên doanh nghiệp thành lập mới của Kiên Giang là 20,28 tỷ đồng. Long An là 15,98 tỷ đồng và TP. Cần Thơ là 11,66 tỷ đồng.
Cũng theo các doanh nghiệp, cần ưu tiên tiêm ngừa vaccine 100% cho người lao động tham gia sản xuất 3 tại chỗ để đảm bảo sản xuất liên tục, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, tạo tâm lý cho người lao động an tâm.
Cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực ĐBSCL cũng cho hay việc thực hiện mô hình “3 tại chỗ” nên xem xét lại, đưa ra mô hình hoặc chính sách phù hợp hơn, để các doanh nghiệp có thể trở lại hoạt động trong thời gian sớm nhất. Cho phép doanh nghiệp thực hiện 2 tại chỗ: sản xuất tại chỗ và ăn uống tại chỗ. Hết giờ làm việc người lao động được về nhà nghỉ ngơi, trong quá trình người lao động đi làm và về được phép sử dụng giấy cam kết có ghi rõ lộ trình di chuyển và cam kết không dừng – đỗ dọc đường.
Cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực ĐBSCL cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần có những hành động cụ thể trong thời gian dịch bệnh để hỗ trợ doanh nghiệp như: xem xét giảm lãi suất cho các khoản vay cũ, giảm thủ tục hồ sơ để các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận các nguồn vay mới, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, nên tái cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khoản vay; miễm giảm lãi vốn vay; tạm thời khoanh nợ; yêu cầu không bắt buộc các doanh nghiệp trả nợ trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhất là không chuyển nợ quá hạn, nợ xấu của các doanh nghiệp chưa trả nợ đúng hạn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Theo các doanh nghiệp, cần đẩy nhanh tốc độ triển khai chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng do Covid-19 trên từng địa phương. Đối với người lao động, cần có những hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về thủ tục để người lao động có thể nhận trợ cấp trong khoảng thời gian khó khăn này, giúp người lao động vượt qua đại dịch, nâng cao đời sống, không gây ra mất cân bằng trong xã hội.
Cùng với đó, xác định giao thông vận tải, logistics phải thông thoáng vừa đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch, vừa đảm bảo hàng hóa được lưu thông nhanh chóng, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí tham gia logistic như cước tàu, chi phí test Covid-19, phân luồng giao thông hợp lý, có quản lý luồng tuyến tránh gây tắt nghẽn… Để góp sức cho doanh nghiệp, các địa phương cũng được yêu cầu xem xét các chính sách liên quan như: gia hạn tiền thuê đất, mặt bằng sử dụng đất; giảm trừ chi phí lãi vay cho doanh nghiệp nhỏ, điều tiết nhằm bình ổn giá nguyên vật liệu, giảm chi phí các dịch vụ công ích; gia hạn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập, bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.
Tĩnh Kiên