Tôi nhận được đề nghị “viết giúp những gợi ý chính sách để thu hút FDI (theo yêu cầu mục tiêu của nước mình)”, ba chữ “của nước mình” đã tạo động lực cho người viết. Xem tiếp đến thông tin gửi kèm đề nghị là những thông tin về chính sách của Ấn Độ và Indonesia gần đây nhằm thu hút FDI. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam phải làm gì để đón được đại bàng FDI, chứ không phải là hổ, rắn!
Quyết tâm để trở thành điểm đến mới, nhằm đón dòng dịch chuyển vốn đầu tư trong chiến lược tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu của các nước lớn và các tập đoàn đa quốc gia của Ấn Độ và Indonesia đã được cụ thể hóa thành những chính sách rất rõ ràng và không kém phần hấp dẫn.
Nỗ lực của Ấn Độ và Indonesia cũng đồng thời đặt ra cho Việt Nam một thách thức, đó là chúng ta cần phải làm gì để không bị bỏ lại trong cuộc đua này.
Với Việt Nam, trước hết chúng ta cần trả lời được câu hỏi: Làm thế nào để Việt Nam có thể đón nhận được dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng cao chứ không phải số lượng vốn nhiều hay ít, khi đã có Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030” được ban hành ngày 20-8-2019.
Để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi trên, cần tổ chức triển khai tốt Nghị quyết 50, tập trung vào các nội dung sau:
Thứ nhất, xác định chuỗi cung ứng toàn cầu chuyển dịch hiện nay là cơ hội để Việt Nam sàng lọc, lựa chọn các dự án FDI chất lượng, có giá trị gia tăng cao… Do đó, trong quá trình đánh giá dự án FDI, không nên chỉ tập trung vào quy mô đầu tư, vào số lượng, mà cần tập trung vào chất lượng theo hướng ưu tiên những dự án lớn, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao, thân thiện, an toàn với môi trường, ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, sử dụng ít năng lượng, những dự án sản xuất tại các mắt xích có giá trị cao trong chuỗi cung ứng.
Thứ hai, thu hút đầu tư FDI phải đảm bảo bốn vấn đề: (1) Phải được đặt trong kế hoạch tổng thể, thu hút vào những ngành doanh nghiệp trong nước chưa có khả năng nhưng có tiềm năng trong tương lai, đặc biệt là ngành có hàm lượng tri thức cao.
(2) Khuyến khích hình thức liên doanh với doanh nghiệp trong nước; khuyến khích chuyển giao công nghệ, liên kết xây dựng thành chuỗi sản xuất-tiêu thụ, tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp trong nước một cách song hành. (3) Khuyến khích sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, gắn toàn bộ nền sản xuất của doanh nghiệp FDI trong sự phát triển, liên kết với công ty trong nước. (4) Ưu tiên các vấn đề lao động, môi trường.
Thứ ba, tập trung vào một số lĩnh vực trọng yếu để nhanh chóng nâng cấp nền tảng căn bản của nền công nghiệp và năng suất lao động, tránh dàn trải. Thu hút đầu tư vào các lĩnh vực giá trị gia tăng cao, công nghệ cao hoặc các mắt xích Việt Nam còn yếu, ví dụ như điện tử, công nghệ thông tin, phần mềm, y tế, công nghệ, thiết kế sản phẩm trong các ngành cơ khí chế tạo, ô tô, ngành gỗ,…; mắt xích cung ứng nguyên liệu đầu vào trong ngành da giày, dệt may; mắt xích chế biến quy mô lớn trong ngành nông nghiệp,thủy hải sản.
Thứ tư, thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác hợp tác nhưng có chọn lọc.
Các nội dung trên, nếu được thực hiện tốt, sẽ giải quyết được vấn đề quan tâm của xã hội hiện nay : đón được “đại bàng” đến làm tổ, hay cho “hổ”, “rắn” vào nhà? Chim đại bàng ở đây được cho là các dự án có quy mô lớn, có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo được giá trị gia tăng tại Việt Nam, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam.
Hổ là các dự án cũng có quy mô lớn, nhưng công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều lao động phổ thông người nước ngoài, không nghiêm túc thực hiện pháp luật Việt Nam, có các hành vi vận động mua chuộc đội ngũ cán bộ quản lý Việt Nam trong cấp phép và quản lý dự án, có nguy cơ gây mất an ninh trên địa bàn.
Còn rắn là những dự án có quy mô nhỏ, công nghệ thấp bị đào thải từ bên ngoài, cạnh tranh và lấy mất “chén cơm” của các doanh nghiệp Việt Nam, khả năng gây ô nhiễm môi trường cao, luồn lách không tuân thủ luật pháp để kiếm lời, thậm chí bỏ trốn để lại những hậu quả nghiêm trọng. Cần chú ý trong thu hút đầu tư: đại bàng đến đẻ trứng, không ăn thịt người. Hổ xổng chuồng là nguy hiểm. Rắn không chú ý sẽ bị cắn, nếu là rắn độc dễ tử vong.
Từ những định hướng nêu trên của Bộ Chính trị, Chính phủ nên nghiên cứu và ban hành một nghị quyết về tổ chức thực hiện Nghị quyết 50 và giao các bộ, ngành, địa phương trong cả nước xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện nghị quyết này. Đồng thời, Chính phủ giám sát chặt chẽ việc thực hiện, định kỳ có đánh giá tổng kết những việc làm được và chưa làm được, có khen thưởng các tổ chức, cá nhân thừa hành tốt nhiệm vụ và ngược lại, thi hành kỷ luật đối với những tổ chức, cá nhân thi hành sai định hướng.
Phan Hữu Thắng