Người dân có nhu cầu gửi tiền ngân hàng, tuy nhiên gần đây lại xuất hiện tình trạng “biến hóa” tiền gửi thành mua chứng chỉ quỹ, trái phiếu, bảo hiểm… Đi gửi tiết kiệm thành mua bảo hiểm, nhân viên có nhận chỉ đạo để tư vấn?
Gửi tiết kiệm là một trong những sản phẩm huy động vốn phổ biến nhất của các ngân hàng và cũng được đánh giá là một trong những kênh an toàn nhất hiện nay.
Vài năm trở lại đây, nhân viên ngân hàng không đơn thuần kiếm thêm thu nhập từ dịch vụ huy động tiết kiệm. Ngành ngân hàng ngày càng bán chéo nhiều sản phẩm tài chính hơn. Trong đó, các sản phẩm như trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm nhân thọ, chứng chỉ tiền gửi… được bán mạnh, thậm chí áp chỉ tiêu doanh số cho các giao dịch viên.
Một số vụ việc xảy ra gần đây nhận được quan tâm như khách hàng SCB gửi tiền tiết kiệm thành mua bảo hiểm của Manulife, khách hàng Techcombank gửi tiết kiệm thành mua chứng chỉ quỹ TCBF…
Đi gửi tiết kiệm tưởng chừng đơn giản nhưng làm thế nào cho đúng, chuẩn khi cuộc đua huy động vốn tại các nhà băng ngày càng sôi động, các sản phẩm khác ngoài tiết kiệm cũng được chào mời nhiều hơn thì không phải ai cũng biết.
Các sản phẩm tài chính đang được phân phối tại ngân hàng có sự khác biệt thế nào? Việc vô tình hoặc cố ý biến tiền gửi của những khách hàng không hiểu rõ các sản phẩm tài chính sang mục đích huy động tiền gửi khách sẽ gây ảnh hưởng ra sao cho khách hàng?
Ngoài ra, ngân hàng là nơi có thể cung cấp những sản phẩm tài chính, nhưng trách nhiệm của người môi giới trong những trường hợp này ra sao? Liệu có cần thêm những quy định chặt chẽ hơn nữa về việc phân phối các sản phẩm tài chính của các ngân hàng?
Trước đó, phía Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết nhận được các đơn thư gửi đến tố giác việc đại lý bảo hiểm có hành vi lừa đảo, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo, buộc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Công ty TNHH Manulife Việt Nam giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm.
Trước đơn của các công dân liên quan đến việc giới thiệu, tư vấn mua bảo hiểm của nhân viên SCB, phía Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã gửi đơn tới Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 – Bộ Công an) để được xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật và thông báo kết quả tới Bộ Tài chính.
Theo ghi nhận một số khách hàng phản ánh việc gửi tiết kiệm bị nhân viên bảo hiểm tư vấn không rõ ràng thông tin. Một số khách hàng phản ánh khi đi gửi tiết kiệm tại SCB bị tư vấn viên chuyển sang mua gói bảo hiểm Tâm An Đầu tư của Manulife. Sau khi đi đòi lại tiền gửi tiết kiệm, họ chưa nhận được trả lời thỏa đáng.
Trước những hạn chế của kênh bán bảo hiểm tại ngân hàng, tại dự thảo thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanhbảo hiểm, Bộ Tài chính đề xuất yêu cầu ngân hàng bán chéo bảo hiểm phải ghi âm, lưu lại trong 5 năm toàn bộ nội dung đã tư vấn cho khách hàng.
Đồng thời, với các loại bảo hiểm liên kết đầu tư được bán chéo qua kênh ngân hàng (bancassurance), doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra độc lập nội dung tư vấn của nhân viên ngân hàng trước khi phát hành hợp đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm phải xác nhận việc khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm là tự nguyện, dự thảo quy định.
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng yêu cầu tài liệu giới thiệu sản phẩm phải bảo đảm phản ánh trung thực các thông tin cơ bản, không được cung cấp thông tin không rõ ràng, tạo cho bên mua bảo hiểm kỳ vọng và hiểu lầm.
Tài liệu phải thể hiện rõ đây là sản phẩm bảo hiểm được cung cấp bởi doanh nghiệp bảo hiểm. “Việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là yêu cầu bắt buộc để thực hiện hay hưởng một dịch vụ nào khác của đối tác phân phối”, Bộ Tài chính đề xuất quy định này.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm cũng được yêu cầu định kỳ kiểm tra chất lượng tư vấn của các nhân viên ngân hàng, phối hợp với nhà băng để xử lý các khiếu nại của khách hàng.
Tổng Hợp
(Dân Trí)