Việc huy động vốn của doanh nghiệp lớn thông qua kênh trái phiếu lại có nhiều lợi thế đối với các ông lớn với tiềm lực mạnh. Do đó, đây là kênh ưa thích và chủ đạo để doanh nghiệp huy động vốn mở rộng quy mô, tăng vốn đi mua bán sáp nhập, mở rộng quỹ đất.
Các chuyên gia nhận định, trong năm 2021, khi dịch bệnh COVID – 19 tác động nặng nề đến thị trường khiến các doanh nghiệp vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn, buộc lòng phải chấp nhận chuyển nhượng lại các dự án để gồng gánh lãi ngân hàng.
Bên cạnh đó, đó cũng là “nguồn sống” chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản khi rất cần nguồn lực để phục hồi hoạt động kinh doanh sau thời gian dài giãn cách xã hội. Do đó, việc “tranh thủ” huy động vốn cuối năm, đặc biệt trong bối cảnh chỉ hơn 2 tuần nữa, Thông tư 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực, là điều dễ hiểu.
Để chuẩn bị cho các kế hoạch trong năm mới, huy động vốn bằng trái phiếu vẫn đang là “nguồn sống” chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản ở thời điểm hiện tại. Trước đó, CTCP KCN Thành Thành Công cũng thông tin vừa huy động thành công 138 tỷ đồng qua kênh trái phiếu nhằm thực hiện đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công trình tiện ích chức năng thuộc Khu công nghiệp Thành Thành Công tại Tây Ninh.
Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty Cổ phần Bách Hưng Vương mới đây cũng đã huy động thành công 2.980 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 12 tháng. Dù bản công bố thông tin Bách Hưng Vương không nêu cụ thể các thông tin như lãi suất, mục đích huy động, tài sản đảm bảo hay các đơn vị tham gia tư vấn phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, Công ty Bách Hưng Vương do bà Đinh Thị Ngọc Thanh làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật, người này đồng thời đang giữ chức Chủ tịch Công ty Cổ phần Bông Sen. Doanh nghiệp này được cho là một trong những mắt xích quan trọng liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – một tập đoàn bất động sản nổi tiếng ở phía Nam.
Trước đó, thị trường cũng ghi nhận loạt ông lớn địa ốc cấp tập huy động vốn như Tập đoàn Danh Khôi đã phát hành thành công lô trái phiếu có tổng giá trị 1.600 tỷ đồng để tăng quy mô vốn hoạt động để thực hiện các hoạt động mua bán sáp nhập công ty.
Cùng ngày, CTCP Sunshine AM cũng công bố phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, mức lãi cố định 11%/năm và để tăng quy mô vốn hoạt động và/hoặc thực hiện các chương trình dự án đầu tư. Một doanh nghiệp khác là APEC Group cũng phát hành hơn 350 tỷ đồng mục đích tăng quy mô vốn doanh nghiệp.
Vào ngày cuối cùng của tháng 11, ông lớn địa ốc Novaland cũng đã công bố phát hành thành công 1.000 tỷ đồng từ trái phiếu nhằm tăng quy mô vốn doanh nghiệp, một phần trong đó để thực hiện góp vốn, hợp tác đầu tư phát triển dự án KĐT tại Cỳ Lao – Phước Hưng (Đồng Nai).
Theo báo cáo gần đây của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong 11 tháng đầu năm nay, có tổng cộng 826 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước, trong đó có đến 803 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 468.850 tỉ đồng (chiếm 95% tổng giá trị phát hành), 23 đợt phát hành ra công chúng tổng giá trị 26.340 tỉ đồng. Có bốn đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, tổng giá trị 1,425 tỉ đôla Mỹ. Nhóm bất động sản hiện vẫn đang dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 187.160 tỉ đồng. Trong đó có khoảng 30% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Đáng lưu ý là tỷ lệ này tiếp tục tăng lên so với tháng trước, cho thấy những rủi ro tiềm ẩn của kênh đầu tư này ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng một số doanh nghiệp có xu hướng phát hành trái phiếu huy động vốn để đầu tư góp vốn, mua cổ phần, thay vì phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh thực hay các dự án đầu tư mới của doanh nghiệp. Điều này khiến dòng vốn đi sai hướng.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm…
Đây là chỉ đạo nhằm ngăn chặn, phát hiện sớm những rủi ro, tránh đổ vỡ dây chuyền trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Tổng Hợp