Theo đánh giá của đơn vị nghiên cứu, trục đường Bắc – Nam TP.HCM đang quá tải hạ tầng nghiêm trọng và cần được ưu tiên hơn trục Đông – Tây. Việc xây nhà cao tầng đang là vấn đề nan giải khi hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện.
Lâu nay, đường trên cao được giới chuyên gia đánh giá sẽ tạo động lực lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM. Theo Quy hoạch phát triển giao thông – vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2007, chậm nhất đến năm 2020, TP.HCM sẽ xây dựng xong 5 tuyến đường bộ trên cao với tổng chiều dài 70,7 km, nhưng đến nay vẫn chưa có dự án nào được thành hình. Đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm và đặt vấn đề nghiên cứu đầu tư, nhưng đều đi vào… ngõ cụt.
Đại diện Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM từng khẳng định, về mặt kỹ thuật, việc xây dựng các tuyến đường trên cao không gặp khó khăn gì, mà vướng mắc chủ yếu là phương án hoàn vốn cho chủ đầu tư.
Trên thực tế, hầu hết dự án đường trên cao đều đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, tối thiểu trên 10.000 tỷ đồng, chưa kể với quy mô khoảng 4 làn xe, mỗi làn rộng 3,5 m, cùng dải phân cách và lan can, tổng cộng mỗi tuyến cần ít nhất 17-18 m chiều ngang…, nên chi phí đền bù, giải tỏa mặt bằng rất lớn. Trong khi đó, việc thu phí xe lưu thông theo quy định hiện hành chỉ đủ khoảng 20% so với tổng vốn đầu tư. Suất đầu tư quá cao, thời gian hoàn vốn kéo dài… là những nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp e ngại làm đường trên cao.
Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường trên cao Bắc – Nam TP.HCM bắt đầu từ nút giao Cộng Hòa – Trường Chinh (quận Phú Nhuận) đến đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh). Thực tế, đề xuất này chưa nằm trong quy hoạch tổng thể, song đã được UBND TP.HCM chấp thuận cho nghiên cứu lập đề xuất dự án trên cơ sở kết hợp từng đoạn của 3 tuyến đường trên cao số 1, 2, 3 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007. Theo đánh giá của đơn vị nghiên cứu, trục đường Bắc – Nam TP.HCM đang quá tải hạ tầng nghiêm trọng và cần được ưu tiên hơn trục Đông – Tây. Tuyến đường được thiết kế có tổng chiều dài 14,1 km, quy mô mặt cắt ngang là 16 m (4 làn xe) và các đường dọc tuyến là 30-40 m theo quy hoạch.
Phương án thứ nhất là triển khai theo hình thức đầu tư công hoặc vay ODA (vay hỗ trợ phát triển chính thức).
Phương án thứ hai là công trình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, với phương án này, bà Trâm tính toán, với mức phí 35.000 đồng mỗi lượt xe nhân với lượng phương tiện dự báo trong 26 năm, chủ đầu tư chỉ cân đối được 5.500 tỷ đồng, tức chưa đến 20% tổng vốn đầu tư, nên ngân sách sẽ phải bù 80% và điều này không khả thi, bởi theo quy định hiện hành, vốn góp Nhà nước vào dự án PPP không được vượt quá 50%.
Phương án thứ ba, đơn vị nghiên cứu đề xuất vẫn triển khai dự án theo hình thức PPP, nhưng nâng vốn góp chủ đầu tư lên 50%, trong đó sẽ xem xét lại mức thu phí, tìm nguồn vay lãi suất thấp, khai thác quỹ đất trên tuyến, chỉnh trang đô thị…
Với phương án này, CII đưa ra ý tưởng khai thác không gian dọc tuyến đường bằng cách cho xây nhà, cao ốc dọc tuyến để cho thuê, không giao tư nhân sở hữu. Theo bà Trâm, giải pháp này vừa giúp tạo nguồn vốn cho dự án, tận dụng được không gian, tiết kiệm được quỹ đất, vừa tăng khả năng hoàn vốn cho chủ đầu tư.
Các nút giao thông tại TP.HCM chủ yếu theo dạng vòng xuyến, xe cộ lưu thông trên cùng một mặt bằng quá đông, nên dễ xảy ra ùn tắc. Ông Trần Chí Trung, Trưởng Phòng Kế hoạch đầu tư, Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM đánh giá, việc có chủ đầu tư quan tâm trở lại với các tuyến đường trên cao là tín hiệu tốt. Bên cạnh đó, năm 2022, Trung ương điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM là 21%, thay vì 18% như 5 năm qua cũng giúp Thành phố có thêm nguồn lực phục hồi kinh tế – xã hội. Như vậy, bên cạnh cơ hội đẩy nhanh các dự án cấp bách, trọng điểm đối với các dự án có thể xã hội hóa được, TP.HCM sẽ có thêm nguồn vốn ngân sách để huy động thêm nguồn lực từ khối doanh nghiệp tư nhân.
Tổng Hợp