Không thể phủ nhận thị trường bất động sản thời gian qua có sự bùng nổ về nhu cầu, nhưng cũng đồng thời xuất hiện tình trạng giới đầu cơ lợi dụng nhu cầu tăng cao để lập đội, nhóm tung chiêu đồn thổi thông tin quy hoạch, đẩy giá đất lên cao, gây nhiễu loạn thị trường.
Thời gian qua, giá nhà đất khắp nơi không ngừng đi lên do nhu cầu tăng cao và hầu hết các chi phí đầu vào như chi phí tạo lập quỹ đất, tiền sử dụng đất, chi phí đầu tư xây dựng… đồng loạt leo thang, dẫn đến giá thành bị đội lên.
Để “ghìm cương” giá đất, các cơ quan chức năng mạnh tay “siết” dòng vốn tín dụng vào địa ốc cũng như thủ tục pháp lý dự án, các chính sách thuế… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bất động sản cũng là một loại hàng hóa nên việc giám sát cần sự linh hoạt và mang tính thị trường nhiều hơn là các biện pháp hành chính, tránh “già néo đứt dây” khiến doanh nghiệp gặp khó khăn nhiều hơn.
Gia tăng dân số cơ học là một quá trình tự nhiên khi con người có xu hướng di cư, sinh sống và làm việc ở những nơi thuận tiện cho việc làm, đi lại, môi trường sống. Đây là 3 yếu tố tạo thành một vòng tròn khép kín, yếu tố này là tiền đề cho yếu tố khác phát triển và ngược lại. Chẳng hạn, có việc làm sẽ thu hút dân cư, có dân cư thì sẽ thu hút đầu tư, rồi từ đó tạo thêm việc làm mới.
Theo tổng giám đốc một công ty bất động sản lớn tại TP.HCM, những năm gần đây, TP.HCM ghi nhận sự tăng giá mạnh ở hầu hết các phân khúc sản phẩm. Sự tăng giá diễn ra theo quy luật thị trường, trong khi nhu cầu nhà ở ngày càng tăng cao, ngược lại nguồn cung sản phẩm lại quá khan hiếm. Cung giảm cầu tăng, dẫn đến giá tăng là tất yếu, đó là chưa kể các loại chi phí đầu vào như chi phí pháp lý, chi phí giá thành xây dựng, chi phí quỹ đất… liên tục tăng và được chủ đầu tư đưa vào giá thành.
“Để giá nhà đất ổn định trở lại, điều cần ưu tiên lúc này là tháo gỡ nút thắt nguồn cung, mà muốn vậy thì các chính sách hỗ trợ cần tập trung vào điều này, trong đó quan trọng là nguồn cung nhà xã hội cho thuê. Thực hiện nghiêm các chính sách thuế để chống đầu cơ, điều tiết thu nhập của những người có nhiều nhà cho thuê để lấy nguồn đó hỗ trợ. Bên cạnh đó, cần khuyến khích việc sở hữu căn nhà đầu tiên cho lao động trẻ thông qua chính sách lãi suất ưu đãi, bảo lãnh vay…”, vị giám đốc này khuyến nghị.
“Từ đầu năm 2022 đến nay, đi đến đâu cũng nghe thị trường bất động sản nóng sốt, nhưng là người trong cuộc, tôi lại thấy chưa lúc nào doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn như hiện nay, đặc biệt các doanh nghiệp môi giới”, giám đốc một doanh nghiệp môi giới địa ốc tại TP.HCM than thở.
Vị này chia sẻ, sau hơn 2 năm dịch bệnh, “đội quân” bán hàng của doanh nghiệp mình từ gần 150 nhân sự hiện chỉ còn 30 người. Giảm nhân sự, chi phí… để có hy vọng sẽ “lấy lại những gì đã mất”, nhưng những khó khăn chất chồng đang khiến nguy cơ “mất luôn những gì còn lại” ngày một hiện hữu.
“Có một nghịch lý hiện nay là trong khi nhu cầu đầu tư, nhu cầu nhà ở rất nhiều thì doanh nghiệp lại không có sản phẩm để bán. Từ đầu năm, chúng tôi chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm sản phẩm phân phối, nhưng thực sự bế tắc vì phần lớn chủ đầu tư cũng không có hàng, nếu có thì chưa đủ điều kiện theo quy định nên không dám tung sản phẩm ra thị trường”, vị giám đốc này nói.
Theo các chuyên gia, không thể phủ nhận thị trường bất động sản thời gian qua có sự bùng nổ về nhu cầu, nhưng cũng đồng thời xuất hiện tình trạng giới đầu cơ lợi dụng nhu cầu tăng cao để lập đội, nhóm tung chiêu đồn thổi thông tin quy hoạch, đẩy giá đất lên cao, gây nhiễu loạn thị trường. Tuy nhiên, đây chỉ là tình trạng xảy ra cục bộ ở một số khu vực và đối với đất dân cư, đất nông – lâm nghiệp, chứ không phải sản phẩm trong các dự án được quy hoạch đàng hoàng nên không mang tính đại diện thị trường.
Tổng Hợp