Hiện Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh đang làm việc với Cục An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) để xác minh thông tin về một số sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam có nhiễm chất EO. Trong nước hiện đang nỗi lên làn sóng lo ngại các sản phẩm liên quan. Chưa cần biết đúng sai, doanh nghiệp cần xử lý khủng hoảng truyền thông tốt.
Trong khi chờ trả lời chính thức của FSAI, Thương vụ khuyến nghị doanh nghiệp tuyên bố nhận trách nhiệm đối với số sản phẩm bị khuyến nghị thu hồi tại Ireland. Đồng thời, tạm thời dừng sản xuất sản phẩm cho đến khi tìm ra xuất xứ chất EO trong quy trình sản xuất.
Hiện nay Bộ Công Thương đang trong quá trình xác minh, chưa có kết quả kiểm nghiệm nên không thể phán xét doanh nghiệp sai hay đúng vì mỗi quốc gia có tiêu chí an toàn thực phẩm riêng biệt.
Chuyện doanh nghiệp bị cảnh báo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm không mới, nhưng trước đây chỉ ở quy mô trong nước, còn hiện nay vấn đề này được mở rộng ở phạm vi quốc tế. Nếu doanh nghiệp làm sai, ở góc độ nhà nước cũng phải xem xét trong nền kinh tế hội nhập cần hài hòa giữa tiêu chuẩn trong nước và thị trường Việt Nam đang hướng đến.
Việc bị EU cảnh báo phần nào sẽ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp và tác động đến ngành, lĩnh vực kinh doanh. Vụ việc này là bài học cho chính doanh nghiệp và lời cảnh báo cho nhiều đơn vị khác. Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe, doanh nghiệp cần thận trọng và tuân thủ những quy định khắt khe của thị trường. Đó là cách doanh nghiệp giữ được uy tín và chỗ đứng tại các thị trường lớn.
Ethylene Oxide là hợp chất hữu cơ được sử dụng rộng rãi trong công nghệ thực phẩm giúp khử trùng, hun trùng hiệu quả cao. Chất này được phép sử dụng ở nhiều quốc gia, nhằm mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản, khử khuẩn thực phẩm. EO cũng được dùng để tiệt trùng các thiết bị y tế.
Đơn cử như EU không chấp nhận tồn dư EO thì doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ hơi nước hoặc phương pháp bảo quản khác được EU cho phép. Còn thị trường Mỹ chấp nhận phương pháp EO, doanh nghiệp có thể sử dụng và xác định mức tồn dư nằm trong ngưỡng cho phép.
Trong một thông cáo mới đây, ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty CP Acecook Việt Nam khẳng định không sử dụng EO đối với sản phẩm xuất khẩu sang EU. Tuy nhiên, hiện công ty vẫn chưa tìm ra nguyên nhân tại sao EO xuất hiện trên lô hàng mì Hảo Hảo vừa bị thu hồi. “Chúng tôi đang tiến hành phân tích, kiểm tra và điều tra trên diện rộng đối với nguyên liệu, thiết bị, quy trình liên quan để tìm nguyên nhân và có biện pháp xử lý kịp thời, hữu hiệu, đảm bảo chất lượng sản phẩm và sức khỏe người tiêu dùng”, ông Kajiwara Junichi nói.
Một loại mì ăn liền xuất khẩu sang châu Âu của Tập đoàn Nongshim – công ty sản xuất mì ăn liền nổi tiếng của Hàn Quốc đã bị phát hiện có chất gây ung thư, theo The Korea Times. Nongshim sau đó đã phải thu hồi sản phẩm của họ tại đây. Hệ thống Cảnh báo Nhanh về Thực phẩm và Thức ăn chăn nuôi (RASFF) của Ủy ban Châu Âu cho biết hôm 12/8 cho biết ethylene oxide được tìm thấy trong mì súp hải sản do Tập đoàn Nongshim xuất khẩu sang Đức vào tháng 1 và tháng 3 năm nay. RASFF cho biết mức độ ethylene oxide được tìm thấy trong mì ăn liền là 7,4 phần triệu (ppm). Tiêu chuẩn ở EU không được vượt quá 0,05 ppm, tức vượt 148 lần so với giá trị tiêu chuẩn cho phép.
Nhật Hạ