Sóng vàng dồn dập, giá vàng liên tục phá kỷ lục khiến dòng tiền trên thị trường có xu hướng dồn vào kênh này bất chấp rủi ro.
Tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét đề xuất lập một sàn giao dịch vàng chính thức của quốc gia, tương tự mô hình sàn chứng khoán. Từ đó khuyến khích người dân thay vì mang vàng bỏ trong tủ sắt và dòng vốn đứng yên thì có thể giao dịch vàng trên sàn dễ dàng như giao dịch cổ phiếu
TS Lê Đạt Chí
Ngày 27.7, giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục, bà Vân lời 6 triệu đồng/lượng (tương ứng hơn 12%). Với 20 lượng, bà Vân bỏ túi 20 triệu đồng trong thời gian chưa đầy 1 tháng. Thấy ngon ăn, cuối tuần qua, khi giá vàng lên 55 triệu đồng/lượng, bà Vân rút thêm tiền tiết kiệm mua vài lượng nữa.
“Với diễn biến tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc đầu tư hay mở rộng kinh doanh là không khả thi, khách hàng “thắt lưng buộc bụng” nên việc bán hàng máy lạnh cũng sẽ chậm hơn so với trước nhiều. Trong lúc chờ đợi dịch Covid-19 qua đi, nguồn tiền tạm thời chuyển sang vàng kiếm lời”, bà Vân nói.
Ngược lại, nhìn mức giá cao gần 57 triệu đồng/lượng, bà Lam (Q.7, TP.HCM) nhớ lại bài học cách đây 9 năm khi giá vàng vọt qua 49 triệu đồng/lượng, bà cũng ra ngân hàng rút gần 250 triệu đồng/lượng mua 5 lượng vàng miếng SJC. Chỉ mấy năm sau, mỗi lượng vàng còn 35 triệu đồng/lượng. Gần 9 năm sau, giá vàng mới về “bờ”, dù hiện đã lời mỗi lượng 5 triệu đồng, nhưng bà Lam cũng không dám mua thêm vàng vì sợ “đu đỉnh” như trước.
Với những biến động bất thường của giá vàng thời gian gần đây, ông Nguyễn Hoàng Minh khuyến cáo người dân cần thận trọng khi mua bán, chênh lệch giữa giá mua và bán vàng của các đơn vị hiện nay lên 1,5 triệu đồng/lượng.
Cơn lốc tăng giá liên tục của vàng khoảng 10 ngày qua khiến kim loại quý thu hút sự quan tâm của người dân. Ngày 27.7, giá vàng miếng SJC tăng 1,9 triệu đồng/lượng so với cuối tuần qua, giá mua tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC lên 55,45 triệu đồng/lượng, bán ra 56,9 – 56,92 triệu đồng/lượng – đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Vàng thế giới phá mức kỷ lục lập cách đây 9 năm, lên 1.941 USD/ounce, tăng 38 USD/ounce so với giá đóng cửa cuối tuần qua.
So với đầu năm, vàng miếng SJC tăng hơn 14 triệu đồng/lượng, tương ứng 33%, trong khi giá vàng thế giới chỉ tăng 27,8%. Giá vàng thế giới đã vượt đỉnh cũ của gần 9 năm trước chỉ khoảng 0,1% nhưng vàng trong nước đã tăng hơn so với đỉnh cũ 16,3%. Một phần do sự khác biệt khi tỷ giá USD hiện nay cũng tăng 11,7% (23.270 đồng/USD so với mức 20.830 đồng/USD vào cuối tháng 8.2011) và phần còn lại do giá vàng trong nước được đẩy lên cao hơn giá thế giới.
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận định: Hiện nay với tâm lý nắm giữ vàng sẽ được lợi lớn khi giá tăng mạnh khiến người dân tích lũy nhiều thay vì giữ tiền đồng. Điều này khiến áp lực chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế càng cao. Từ đó nguy cơ nhập lậu vàng cũng gia tăng, kéo theo nhu cầu về USD tăng cao ở thị trường tự do. Việc này sẽ gây áp lực tăng tỷ giá chính thức tại VN trong thời gian tới.
Hôm qua 27.7, thị trường chứng khoán VN chìm trong sắc đỏ khi nhà đầu tư lo lắng sau các ca lây nhiễm Covid-19 mới tại Đà Nẵng. Chốt phiên giao dịch,
VN-Index giảm 43,99 điểm, tương ứng giảm 5,31% xuống 785,17 điểm và HNX-Index giảm 6,49 điểm, tương ứng giảm 5,93% còn 102,85 điểm. Đây là phiên giảm sâu thứ ba của VN-Index từ đầu năm tới nay, chỉ xếp sau phiên giao dịch ngày 9.3 (giảm 6,28%) và phiên 23.3 (giảm 6,08%) khi thị trường chịu ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19.
Đà giảm trong phiên khiến vốn hóa thị trường chứng khoán VN bị mất khoảng 200.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 8,6 tỷ USD. Số lượng cổ phiếu bị bán tháo, giảm sàn khá nhiều như BVH, CTD, CTG, MBB, TCB, VPB, HDB, PLX, PNJ, MWG… Chỉ riêng trên sàn TP.HCM, tổng cộng có 377 mã giảm giá, trong đó gồm 152 mã giảm sàn và 33 mã tăng giá. Dù vậy, thanh khoản thị trường vẫn đứng ở mức cao với hơn 490,64 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được giao dịch thành công, đạt tổng trị giá gần 7.648,7 tỉ đồng, giảm nhẹ so với phiên cuối tuần qua. Bên cạnh đó, khối ngoại vẫn mua ròng gần 330 tỉ đồng trên toàn thị trường.
M.Phương
Đặc biệt theo TS Lê Đạt Chí, dòng vốn không chảy vào cổ phiếu, không gửi tiết kiệm ở ngân hàng để luân chuyển trong nền kinh tế mà chảy vào vàng và người dân lại mang vàng cất vào tủ, đồng nghĩa vốn này sẽ nằm bất động. Từ đó nền kinh tế bị tác động tiêu cực. Chưa kể nguy cơ nhập lậu vàng cũng khiến chảy máu ngoại tệ, bất lợi cho chính sách tài chính tiền tệ của Việt Nam…
“Tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét đề xuất lập một sàn giao dịch vàng chính thức của quốc gia, tương tự mô hình sàn chứng khoán. Từ đó khuyến khích người dân thay vì mang vàng bỏ trong tủ sắt và dòng vốn đứng yên thì có thể giao dịch vàng trên sàn dễ dàng như giao dịch cổ phiếu. Điều này cũng giúp loại bỏ chênh lệch giữa giá mua và bán quá cao như hiện nay. Nền kinh tế sẽ có thêm một kênh huy động vốn bên cạnh chứng khoán, tạo ra hiệu quả cao hơn”, TS Lê Đạt Chí chia sẻ thêm.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, phân tích: Giá vàng tăng là hệ quả của nền kinh tế suy yếu, nhưng từ đó là nguyên nhân gây ảnh hưởng khiến dòng vốn vào thị trường chứng khoán, bất động sản và tiền gửi tiết kiệm sụt giảm. Từ đó khiến dòng vốn trong nền kinh tế bị thiếu hụt.
Tuy nhiên, TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh mức độ ảnh hưởng này chỉ trong ngắn hạn và không quá lớn do VN có lượng dự trữ ngoại tệ tương đối lớn. Bản thân Ngân hàng Nhà nước đang độc quyền về xuất nhập khẩu vàng nên dễ dàng can thiệp để bình ổn thị trường vàng và ngoại tệ, không để xảy ra đột biến mạnh. Còn khi việc ngăn chặn Covid-19 có kết quả tốt, kinh tế phục hồi thì người dân sẽ bán vàng và chuyển vốn vào những kênh đầu tư khác nên việc nắm giữ kim loại quý không tính là dài hạn.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết giá vàng tăng mạnh nhưng thị trường không xuất hiện tình trạng đầu cơ găm giữ. Bằng chứng, theo ông, là các đơn vị mua bao nhiêu bán ra bấy nhiêu mà không dám giữ khi giá đạt mức kỷ lục. Doanh số giao dịch vàng của các đơn vị được cấp phép kinh doanh vàng miếng trên địa bàn cũng tăng từ 1 – 1,2% so với tháng trước, trung bình ở mức 110.000 – 120.000 đồng/lượng (tương đương khoảng 5.000 – 6.000 tỉ đồng – PV).
Tuy nhiên, ông Minh cho hay lượng vàng giữ hộ của các ngân hàng không tăng mà giảm nhiều, hiện nay lượng vàng giữ hộ tại ngân hàng không đáng kể. Dù có một lượng tiền trong dân dịch chuyển vào vàng nhưng không ảnh hưởng nhiều đến nguồn vốn huy động của các ngân hàng. Trong tháng 7, tổng vốn huy động của các ngân hàng tăng 0,6% so với tháng trước và tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 2,648 triệu tỉ đồng.
Mai Phương