Chủ doanh nghiệp tới nhà đầu tư địa ốc và người có nhu cầu mua nhà đều “đứng ngồi không yên” khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng kiểm soát chặt hơn tín dụng dành cho bất động sản. Chủ yếu vốn cho thị trường bất động sản lệ thuộc nhiều vào ngân hàng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, cổ đông của nhiều ngân hàng đã chất vấn về dư nợ tín dụng bất động sản, nhưng theo lãnh đạo các nhà băng, con số này tuy tăng nhưng không đáng ngại.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành nhiều quy định nhằm hạn chế vốn tín dụng chảy vào bất động sản như giảm vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn từ mức 60% trước đây về mức 40% như hiện nay và tiếp tục giảm xuống 30% trong thời gian tới; đối với khoản vay từ 4 tỷ đồng trở lên thì áp dụng hệ số rủi ro là 150% thay vì 120% như trước đó…, nếu tiếp tục “siết” mạnh hơn thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường. Một vị lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc có trụ sở tại TP. Thủ Đức nhìn nhận, tín dụng lĩnh vực địa ốc nếu tiếp tục bị siết chặt hơn thì sẽ để lại nhiều hệ lụy, bởi cả nguồn cung và thanh khoản thị trường đang có xu hướng chậm lại, việc các dự án chậm trễ ra hàng sẽ khiến nguồn cung càng trở nên khan hiếm, khi đó giá nhà đất sẽ tiếp tục bị đẩy lên cao và người có nhu cầu càng khó tiếp cận nhà ở.
Sự cẩn trọng là không thừa vì vốn vay bất động sản có thể núp bóng dưới những mục đích vay khác, đặc biệt là tín dụng tiêu dùng. Theo đó, các ngân hàng cần kiên định mục tiêu hạn chế cho vay kinh doanh bất động sản, mà tập trung cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua nhà ở thực. Điều này một mặt giúp kích cầu đầu ra cho thị trường địa ốc, mặt khác khiến các chủ đầu tư dần tự chủ về tài chính, đa dạng hóa dòng vốn phát triển dự án. Động thái của Ngân hàng Nhà nước xuất phát từ việc dư nợ bất động sản có xu hướng tăng nhanh kể từ đầu năm đến nay, khi kết thúc quý I/2021, dư nợ lĩnh vực bất động sản tại các ngân hàng đạt khoảng 1,85 triệu tỷ đồng, tương đương 19% tổng dư nợ nền kinh tế. Ngoài ra, hạn chế vốn tín dụng vào địa ốc cũng là biện pháp góp phần làm “hạ nhiệt” cơn sốt đất nền thời gian qua.
Nguồn vốn đầu tư dự án của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực BĐS đều chiếm đa số từ vốn vay ngân hàng. Do đó, nếu NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng siết “room” tín dụng đối với lĩnh xây dựng và BĐS sẽ là thách thức lớn cho các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, các dự án BĐS của doanh nghiệp hiện nay đang vướng khá nhiều vào các thủ tục pháp lý vì các luật đan xen như: Luật Đầu tư, Luật Đất đai… đã khiến cho các dự án bị đình trệ trong quá trình triển khai dự án. Và xuất phát từ những yêu tố này, thanh khoản của doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng cảnh báo rủi ro “nợ xấu”.
Thực tế, khi “nợ xấu” xảy ra, tín dụng bị siết chặt, thì con đường cuối cùng của doanh nghiệp sẽ không còn cách nào khác là phải lựa chọn giải pháp là vay ngoài với lãi cao để tiếp tục triển khai dự án. Thậm chí là bất chấp về khả năng có thể chi trả được hay không, từ đó nhiều ý kiến lo ngại sẽ dẫn tới những bất cập, kẽ hở để tín dụng đen hoạt động. Từ đó, các chuyên gia nhận định rằng, siết tín dụng với loại hình kinh doanh BĐS và xây dựng cần có lộ trình hợp lý. Nếu không sẽ vô tình bóp chết loại hình đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Các chuyên gia về BĐS, tài chính cho rằng con số 1,8 triệu tỉ đồng đổ vào BĐS chưa phản ánh đúng thực tiễn, bởi lẽ một lượng lớn tiền đang đổ vào hoạt động kinh doanh BĐS, mua đi bán lại hiện nay được vay tiêu dùng chứ không phải vay để đầu tư phát triển BĐS. Tiền đổ vào kinh doanh BĐS thì tăng rất mạnh theo chiều hướng tăng của cơn sốt đất, trong khi tiền để phát triển BĐS (nghĩa là vừa tạo ra việc làm cho xã hội, vừa tăng nguồn cung cho thị trường) lại thấp do nhiều vướng mắc từ cơ chế chính sách cũng như từ chính các doanh nghiệp khi không còn khả năng hấp thụ vốn.
Người có tiền gửi tiết kiệm chịu thiệt đơn thiệt kép vì tiền gửi lãi suất thấp trong khi giá BĐS tăng sẽ khiến giá trị thực tế của đồng tiền bị giảm và việc kiềm chế lạm phát trở nên khó khăn hơn.
Nhật Hạ