Với việc chính thức nới lỏng giãn cách kể từ tháng 10, tâm lý thị trường đã tích cực hơn giúp chỉ số có những phiên tăng điểm ngay từ đầu tháng. VN-Index tạo lập đỉnh lịch sử, nhà đầu tư cá nhân mua ròng trong 10 tháng liên tiếp…
Dòng tiền cuồn cuộn đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam có sự đồng thuận của cả ba nhóm nhà đầu tư nội. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân vẫn đóng vai trò lớn nhất trong việc dẫn dắt chỉ số tăng điểm. Nhóm này ròng hơn 2.252 tỷ đồng tại HOSE, trong đó mua qua khớp lệnh là 3.302 tỷ đồng và chiếm hơn 50% giá trị mua ròng tại sàn HOSE.
Lũy kế từ đầu năm, các cá nhân trong nước đã rót ròng hơn 74.000 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong 10 tháng liên tiếp, tương đương hơn 3,2 tỷ USD. Đồng thuận với các cá nhân, khối tự doanh CTCK cũng gia tăng lực cầu trong tháng 10 khi mua ròng qua khớp lệnh 2.667 tỷ đồng tại HOSE, tăng hơn 60% so với tháng trước. Các tổ chức trong nước cũng trở lại mua ròng 580 tỷ đồng trong tháng 10, tập trung trong tuần cơ cấu ETF cuối cùng của tháng.
Mặc dù khối ngoại tiếp đà bán ròng 5.248 tỷ đồng trên HOSE, trong đó bán ròng khớp lệnh đạt 6.549 tỷ đồng trong tháng thứ ba liên tiếp, điểm tích cực là quy mô bán ròng đã giảm mạnh so với tháng trước. Tính từ đầu năm, nhóm này bán ròng trong 8/10 tháng với giá trị lũy kế kỷ lục 46.252 tỷ đồng. Trong tháng 10, dòng tiền có sự trở lại mạnh mẽ khi thanh khoản bình quân tăng 10,95% so với tháng trước đó và cao hơn 14,12% so với mức trung bình cả năm. Tính riêng tại HOSE, giá trị giao dịch bình quân đạt 22.139 tỷ đồng, tăng 5,94% so với tháng 9.
Quan sát giao dịch theo từng ngành, dòng tiền thông minh có sự dịch chuyển khi quy mô mua ròng tại nhóm bất động sản giảm mạnh từ 7.306 tỷ đồng trong tháng 9 xuống còn 1.015 tỷ đồng. Tuy vậy, đây vẫn là một trong những nhóm biến động tích cực với chỉ số giá chung tăng hơn 13% trong tháng 10 và giá trị giao dịch tăng mạnh nhất với 0,87% so với tháng trước đó. Rời khỏi bất động sản, lực cầu dịch chuyển qua nhóm dịch vụ tài chính (2.511 tỷ đồng) và tài nguyên cơ bản (1.493 tỷ đồng), hàng và dịch vụ công nghiệp (1.470 tỷ đồng). Giao dịch tại ba nhóm này có sự cải thiện đáng kể so với tháng 9 và đóng góp phần lớn cho quy mô mua ròng của các cá nhân.
Tại chiều bán, giao dịch bán ròng xuất hiện mạnh nhất ở nhóm cổ phiếu “vua” với quy mô bán ròng tăng mạnh lên mức 2.503 tỷ đồng. Xu hướng chốt lời cổ phiếu ngân hàng của các cá nhân đã kéo dài từ tháng 8 khi nhóm này đã dẫn đầu đà tăng thị trường trong suốt 6 tháng đầu năm. Trái lại, cả tổ chức nội và khối tự doanh đều quay lại mua gom cổ phiếu của các nhà băng trong tháng 10. Nối tiếp, dòng tiền cá nhân rút ròng nhẹ hơn khỏi một số nhóm gồm điện, nước và xăng dầu khí đốt (741 tỷ đồng), bán lẻ (493 tỷ đồng) và thực phẩm và đồ uống (179 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, kỳ vọng vào gói kích thích mới có khả năng được thông qua vào cuối năm 2021 đã nâng cao kỳ vọng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau khi dao động tích lũy và nhiều lần chùn chân trước ngưỡng cản cứng, sự trở lại của nhóm vốn hóa lớn đã giúp VN-Index bứt phá thành công và thiết lập mức cao nhất mức đỉnh cao nhất mọi thời đại tại 1.444,27 điểm trong phiên đóng cửa, tăng 102,21 điểm tương đương 7,62% so với phiên mở cửa. HNX-Index và UPCoM-Index lần lượt đóng cửa tháng ở 412.12 điểm và 105,38 điểm, tương ứng mức tăng 15,3% và 9,13% so với cuối tháng 9.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)