Vietjet mới đây đã có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải. Vietjet “phản pháo” giá sàn vé máy bay của Vietnam Airlines “Áp giá sàn vé máy bay chỉ nhằm giải quyết khó khăn cho Vietnam Airlines”
Vietjet cho rằng chính sách giá nêu trên có sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, gây nên tình trạng bất bình đẳng giữa các hãng hàng không, hạn chế cạnh tranh trong thị trường kinh doanh vận chuyển hàng không nội địa. Về lâu dài, Vietjet đánh giá quy định giá sàn vé máy bay sẽ triệt tiêu động lực cạnh tranh giữa các hãng hàng không nội địa, triệt tiêu động lực sáng tạo, đổi mới của các hãng hàng không nội địa và kim hãm sự phát triển của thị trường vận chuyển hàng không nói chung.
Trước đó, Cục Hàng không đã trình Bộ GTVT dự thảo thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Theo đó, Cục Hàng không đề xuất thời gian áp dụng chính sách mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định là 12 tháng trên các đường bay nội địa, bắt đầu từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/10/2022.
Theo đó, mức giá tối thiểu tại nhóm đường bay dưới 500km là 340.000 đồng, trong đó các đường bay phát triển kinh tế – xã hội là 320.000 đồng; từ 500km đến dưới 850km là 440.000 đồng; từ 850km đến dưới 1.000 km là 560.000 đồng; từ 1.000km đến dưới 1.280km là 640.000 đồng; từ 1.280km trở lên là 750.000 đồng. Mức giá tổi thiểu này xấp xỉ mức giá cơ bản của dịch vụ đường sắt (ghế ngồi mềm điều hòa) và ngang bằng với dịch vụ vận chuyển đường bộ. Cục Hàng không Việt Nam cho biết chính sách quy định mức giá tối thiểu đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa được cân nhắc trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, các hãng hàng không và nhà nước. Nếu đề xuất này được thông qua, mức sàn cho giá vé máy bay với mức tối thiểu cho chặng bay ngắn nhất là 320.000 đồng/vé/chiều và sẽ không còn các vé “0 đồng” như hiện nay.
Theo Vietjet, mục đích của việc ban hành thông tư là để thực hiện điều tiết giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa (áp dụng có thời hạn) nhằm hỗ trợ giảm bớt khó khăn, giảm nguy cơ dẫn đến phá sản của hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), giảm thiểu thiệt hại cho nhà nước (với tư cách là cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối trên 86% vốn điều lệ của Vietnam Airlines) trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên Vietjet cho rằng không chỉ có Vietnam Airlines mà toàn bộ các hãng hàng không nội địa hiện đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức do đại địch Covid-19 gây ra, mà khó khăn lớn nhất hiện nay là các hãng hàng không phải dừng khai thác các tuyến bay quốc tế – vốn chiếm tỷ trọng lớn về cung ứng khai thác và doanh thu trong tổng mạng bay. “Có thể nói, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet là như nhau, bởi chính từ việc sụt giảm doanh thu từ các tuyến bay quốc tế trong thời gian dịch bệnh”, văn bản của Vietjet nêu rõ.
Vietjet cho rằng sự điều chỉnh theo hướng quy định cả mức giá tối thiểu (giá sàn) và mức giá tối đa (giá trần) sẽ tạo ra nhiều bất cập và tác động tiêu cực như không phù hợp với quy định hiện hành, các cam kết thương mại quốc tế, không đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng, không đảm bảo thúc đẩy sự phục hồi của thị trường vận chuyển hàng không…
Theo Vietjet, dự thảo chưa xem xét, đánh giá một cách cẩn trọng và toàn diện những tác động tiêu cực của chính sách đối với các hãng hàng không tư nhân và các đối tượng khác chịu tác động trực tiếp bởi chính sách này như người tiêu dùng, các tổ chức cung ứng hàng hoá, dịch vụ có liên quan. “Chính sách giá này đưa ra chỉ nhằm giải quyết khó khăn cho hãng hàng không quốc gia, thể hiện sự ưu ái cá biệt dành cho doanh nghiệp nhà nước, không đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng giữa Vietnam Airlines và các hãng hàng không tư nhân nội địa. Việc ban hành giá sàn không đảm bảo nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế”, Vietjet nhấn mạnh.
Trong văn bản, Vietjet cũng cho rằng việc áp giá sàn vé máy bay làm mất đi cơ hội đi lại bằng đường hàng không của nhóm khách hàng có thu nhập thấp, đưa thị trường vận chuyển hàng không quay trở về thực trạng của hàng thập kỷ trước đây là chỉ những người có thu nhập cao mới có điều kiện đi lại bằng máy bay. Cũng theo Vietjet, hiện đề xuất mức giá sàn tương đương với giá cao nhất của vận chuyển đường sắt và gấp 2 lần giá vé vận chuyển đường bộ, mức giá sàn này tác động trực tiếp đến khả năng chỉ trả của người dân vốn đã ảnh hưởng nặng vì đại dịch, dẫn tới hạn chế khả năng phục hồi thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam và thị trường cung cấp hàng hoá, dịch vụ có liên quan trực tiếp đến vận chuyển hàng không sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc.
Hãng hàng không này cho rằng đề xuất áp giá sàn đồng nghĩa với việc bắt buộc các hãng hàng không đồng loạt nâng giá vé máy bay làm tăng chi phí các dịch vụ du lịch. Việc tăng giá vé máy bay không những làm khách nội địa giảm, mà lượng khách quốc tế cũng giảm theo do chi phí du lịch tăng cao, kém cạnh tranh so với các nước trong khu vực, có khả năng làm hiệu ứng cánh bướm, gây lạm phát.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)