Tuần qua, một loạt ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi từ 0,1 – 0,4 điểm %. Trong đó, nhóm 4 NHTM Nhà nước có mức giảm 0,1 – 0,2 điểm %, tập trung chính vào các kì hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng.
Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động
Lãi suất tiền gửi được nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) điều chỉnh giảm trong tuần vừa qua.
Theo biểu lãi suất mới nhất của Vietcombank, mức lãi suất huy động áp dụng cho khách hàng cá nhân tại các kì hạn 9 tháng, 3 tháng, 2 tháng và 1 tháng đồng loạt giảm 0,1 – 0,2 điểm % so với trước đó. Trong khi lãi suất áp dụng cho các kì hạn còn lại được giữ nguyên.
Đối với khác hàng tổ chức, mức lãi suất áp dụng cho tất cả kì hạn đều giảm từ 0,2 – 0,3% so với với đầu tháng, không phân biệt số tiền gửi.
VietinBank cũng giảm 0,1 – 0,2 điểm % lãi suất huy động đối với hầu hết kì hạn gửi dưới 12 tháng, trong khi giữ nguyên mức lãi suất áp dụng cho tiền gửi từ 12 tháng trở lên.
Tại BIDV, lãi suất huy động các kì hạn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 5 tháng và 9 tháng đồng loạt giảm 0,1 – 0,2 điểm % so với mức công bố hồi đầu tháng. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn giữ nguyên lãi suất áp dụng cho các kì hạn chính như 6 tháng, 12 tháng và trên 12 tháng
Một ông lớn còn lại là Agribank cũng điều chỉnh giảm 0,1 – 0,2 điểm % tại các kì hạn 1 – 5 tháng và 9 – 11 tháng đối với tiền gửi khách hàng cá nhân. Đồng thời giảm 0,2 -0,3 điểm % tại tất cả kì hạn gửi dưới 12 tháng đối với khách hàng doanh nghiệp.
Không chỉ khối NHTM Nhà nước, các nhà băng tư nhân cũng tiếp tục hạ lãi suất huy động trong trung tuần tháng 8.
Theo khung áp dụng mới nhất, lãi suất huy động các kì hạn từ 12 tháng đến 36 tháng của Techcombank đồng loạt giảm từ 0,2 – 0,3 điểm %; kì hạn dưới 12 tháng có mức giảm từ 0,3 – 0,4 điểm %.
Hay từ ngày 13/8, lãi suất huy động của SHB cũng giảm 0,2 – 0,4 điểm % ở tất cả kì hạn so với biểu công bố trước đó. Mức giảm mạnh chủ yếu tập trung vào các kì hạn ngắn dưới 6 tháng. Đồng thời, lãi suất huy động cao nhất mà ngân hàng áp dụng cũng giảm từ 9,2% hồi đầu tháng xuống còn 8,95% (dành cho tiền gửi 13 tháng với số tiền trên 500 tỉ đồng).
Theo thống kê của người viết, biểu lãi suất của NHTM Nhà nước lớn hiện đã ngang bằng nhau ở 3,5 – 4%/năm với kì hạn dưới 6 tháng, 4,1 – 4,3%/năm với kì hạn từ 6 đến dưới 12 tháng và 5,5%/năm với kì hạn 12-13 tháng.
Lãi suất tiền gửi của các NHTM cổ phần hầu hết cao hơn NHTM Nhà nước khoảng 0,5 – 1,5%/năm ở tất cả kì hạn nhưng cá biệt có một số NHTM có lãi suất huy động kì hạn 12 tháng trở lên còn thấp hơn cả khối NHTM Nhà nước như ACB và Techcombank.
Lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm?
Động thái giảm lãi suất huy động của các ngân hàng vừa qua diễn ra trong bối cảnh thanh khoản hệ thống vẫn rất dồi dào. Thậm chí, trong ba tuần gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục mua vào một lượng lớn ngoại tệ, đẩy một lượng lớn tiền đồng ra ngoài thị trường.
Bên cạnh đó, ngày 14/8, NHNN đã ban hành Thông tư 08 lùi một năm đối với lộ trình giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn qui định tại Thông tư 22 (giảm từ mức 40% hiện tại xuống 37% từ 1/10/2021, 34% từ ngày 1/10/2022 và 30% từ ngày 1/10/2023).
Động thái này hỗ trợ các ngân hàng giảm áp lực về cơ cấu nguồn vốn (tăng huy động vốn trung dài hạn), từ đó tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất đầu vào.
Nhận định về xu hướng trong thời gian tới, T.S Nguyến Trí Hiếu cho rằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm khi Chính phủ và NHNN vẫn duy trì xu hướng nới lỏng tiền tệ nhằm hạ mặt bằng lãi suất, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng sẽ đẩy mạnh cắt giảm lãi suất huy động khi nhu cầu vay vốn ở mức thấp và thanh khoản dư thừa.
Trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ và nhu cầu vay vốn yếu, không có lí do gì để các ngân hàng giữ nguyên lãi suất huy động.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu
Trong báo cáo thị trường mới đây, Bộ phân phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cũng cho rằng triển vọng tăng trưởng tín dụng thấp và sự dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng là những nguyên nhân khiến lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm.
Tổ chức này kì vọng lãi suất tiền gửi có thể giảm tiếp khoảng 0,5 – 0,7 điểm % ở kì hạn dưới 12 tháng và 0,2 – 0,5 điểm % ở các kì hạn từ 12 tháng trở lên trong 5 tháng cuối năm 2020.
Quốc Thụy
Theo Kinh tế & Tiêu dùng