Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã cổ phiếu: VCB) vừa cập nhật tài liệu phục vụ họp đại hội cổ đông thường niên 2022 với nội dung mới là bổ sung tờ trình xin ý kiến cổ đông về việc thông qua chủ trương tham gia tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu kém theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc (CGBB).
Trước Vietcombank, MB (mã chứng khoán: MBB) cũng xin ý kiến cổ đông về việc nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng. Theo hé lộ của CEO MB Lưu Trung Thái, ngân hàng này có tổng lỗ lũy kế các kiểu không vượt quá 20.000 tỷ đồng và lộ trình nhận chuyển giao của MB với nhà băng đó sẽ là khoảng 7 – 8 năm.
Nhà băng khẳng định việc tham gia tái cơ cấu này phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành ngân hàng, nền kinh tế. Ngân hàng này cũng sẽ có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng, mạng lưới hoạt động, tốc độ tăng trưởng… và có thể nhận sáp nhập, hoặc tiếp tục duy trì tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc như một ngân hàng con, hoặc bán, chuyển nhượng tổ chức tín dụng cho nhà đầu tư mới; tạo cơ hội gia tăng lợi ích cho cổ đông Vietcombank.
Vietcombank không góp vốn vào tổ chức tín dụng trong thời gian tổ chức tín dụng còn lỗ lũy kế và không chịu trách nhiệm về thanh khoản và các nghĩa vụ tài chính của tổ chức tín dụng trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc. Bên cạnh đó, Vietcombank sẽ được ưu tiên chấp thuận cho vay vượt 15%/25% vốn tự có ngân hàng đối với khách hàng và nhóm khách hàng liên quan; cho vay trung dài hạn bằng ngoại tệ đối với các dự án trọng điểm; tăng thị phần phục vụ các dự án vốn tín dụng quốc tế cho Vietcombank trong suốt thời gian tổ chức tín dụng chưa hết lỗ lũy kế.
Cụ thể, sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, tổ chức tín dụng hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Vietcombank sở hữu 100% vốn điều lệ, là pháp nhân độc lập và không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính vào báo cáo tài chính hợp nhất của Vietcombank.
Tổng Hợp