Chúng ta đặt mục tiêu tới năm 2030 trở thành cường quốc du lịch, với 160 triệu lượt khách trong nước, 50-70 triệu khách quốc tế thì để đảm bảo hạ tầng lưu trú phải có khoảng 500.000 căn phòng lưu trú. Việt Nam đang có hơn 200 dự án bất động sản du lịch đã được triển khai…
Trong khi đó, chúng ta mới đạt được 1/3 hệ thống hạ tầng này, chưa kể các loại hình dịch vụ, đặc biệt là du lịch cao cấp gần như không có. Đồng thời, hệ thống hạ tầng hiện tại chưa đáp ứng được và chất lượng chưa cao.
Vậy thì phải tạo điều kiện cho các nhà phát triển bất động sản du lịch. Luật Đất đai chưa nhắc tới tên các nhà phát triển bất động sản du lịch, nhóm đối tượng này thiếu vắng từ Luật Đất đai, Luật Đầu tư cho tới các quy định… Nếu không thúc đẩy nhóm đối tượng này, thì tới bao giờ mới có thể đạt được mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như chủ trương.
Có một thực tế đáng buồn là hiện có khoảng hơn 100 dự án khu du lịch quy mô lớn đang nằm đắp chiếu chờ sự tháo gỡ của các quy định pháp luật. Nếu tiếp tục tình trạng này thì sẽ không khuyến khích đầu tư du lịch, làm nản lòng nhà đầu tư, ngay cả chính quyền địa phương muốn thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực thông qua kinh tế du lịch cũng sẽ gặp khó khăn.
Về việc thu tiền đất hàng năm, điều này gây khó khăn cho chủ đầu tư, vì họ không tính toán được tổng mức đầu tư, cũng như gặp các vấn đề sở hữu như cấp giấy chứng nhận đầu tư nhỏ lẻ, không thể thế chấp vay vốn ngân hàng… Phải tính toán thật kỹ, nếu không rào cản cũ chưa tháo được lại thêm rào cản mới.
Chúng tôi kiến nghị phải đưa đất phát triển du lịch vào diện thu hồi trong Luật Đất đai sửa đổi và phải có quy định về quyền của các nhà đầu tư, chủ đầu tư khi tham gia vào đầu tư bất động sản du lịch. Có thể chủ đầu tư là chủ đất, nhưng nhà đầu tư tham gia có cùng là chủ đất hay không, hay là chủ công trình. Cần quy định cụ thể trong Luật để tránh các hệ lụy sau này.
Ý kiến của TS. Trần Xuân Lượng, Chuyên ngành bất động sản, Đại học Kinh tế Quốc dân tại Hội thảo “Sửa Luật Đất đai: Tạo đất cho du lịch” do Báo Đầu tư tổ chức cuối tuần qua. Theo quan điểm cá nhân tôi, bất động sản du lịch có một số đặc thù: đầu tư lớn, thu tiền lẻ, thời gian dài, cần có ưu đãi vốn… mà Luật Đầu tư cần quy định các cơ chế ưu đãi về vốn, đặc biệt là khởi nghiệp ở lĩnh vực bất động sản du lịch.
Ngoài ra, chúng ta có thể tham khảo các loại hình phát triển mạnh tại nước ngoài, ví dụ hải đảo.
Bên cạnh đó, cần có hoạt động đào tạo, hợp tác, liên kết vùng… quy hoạch được bản đồ du lịch quốc gia cho tất cả các loại hình quy hoạch đất đai… Khái niệm đất du lịch đang nằm trong đất thương mại – dịch vụ nên rất mơ hồ.
Bài toán condotel là thực trạng cần được giải. Bất động sản condotel là loại hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng lưu trú, theo quan điểm của tôi cần có một “ngân hàng” hoạt động như đơn vị quản lý vận hành và khai thác… Bản chất đó là các bất động sản nhỏ lẻ đang được phân chia sở hữu, sử dụng cho các cá nhân. Nếu nhà nước không có cơ quan tổ chức chuyên môn giải bài toán này, thì tình hình cũng như thực trạng quản lý đất ruộng đang bị phân chia… Đề xuất của tôi cũng tương tự việc cần có ngân hàng đất nông nghiệp để quản lý và sử dụng. Tôi được biết có 80.000 căn hộ condotel chưa được đưa vào sử dụng, gây lãng phí rất lớn.
Việc định giá bất động sản du lịch cần duy trì phương pháp thặng dư vì các giá trị trong tương lai và tính phức tạp đối với loại hình này. Đồng thời Nhà nước phải có các trung tâm dữ liệu quốc gia để có dữ liệu chính xác để định giá được chính xác, từ đó đánh thuế và thu nguồn lợi đất đai đảm bảo công bằng và tái đầu tư cho xã hội.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư)